Vang mãi bản hùng ca mang âm hưởng Điện Biên
Đời sống - Ngày đăng : 09:48, 07/05/2021
Từ đó đến nay, bản hùng ca mang âm hưởng Điện Biên vẫn vang mãi, để các thế hệ hôm nay tiếp bước ông cha, nỗ lực xây dựng quê hương, đất nước.
Tháng 5 trên mảnh đất Điện Biên
Những ngày đầu tháng 5 trên mảnh đất Điện Biên Phủ lịch sử, đến bất cứ đâu, du khách cũng được chứng kiến những hình cảnh, câu chuyện cảm động. Đặc biệt, tại các di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sĩ, qua hồi ức của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa, những trang sử hào hùng của dân tộc dần được tái hiện.
Tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1, ông Đặng Lâm, Trưởng ban liên lạc Hội Truyền thống chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Hải Phòng xúc động kể, ông từng là chiến sĩ Đại đoàn 312, tham gia đánh đồi Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ.
“... Chúng tôi được giao nhiệm vụ mang bộc phá giật hàng rào dây thép gai, mở đột phá khẩu, cho bộ binh tiến lên. Trong lần thứ hai thực hiện nhiệm vụ, cá nhân tôi bị thương nặng. Sau đó, tôi được đưa ra ngoài, còn đồng đội tiếp tục chiến đấu và toàn thắng trận Him Lam”, ông Đặng Lâm nhớ lại.
Tiếp dòng hồi ức, ông Đặng Lâm cho biết thêm, sau trận đánh đồi Him Lam, quân ta đồng loạt tiến công vào các cứ điểm của địch. Vào hồi 17h30 ngày 7-5-1954, ta chiếm Sở chỉ huy của địch, tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng.
Không chỉ có những chiến sĩ Điện Biên năm xưa trở về thăm lại chiến trường, mà mỗi dịp tháng 5 về, người dân từ các địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên cũng đến các nghĩa trang liệt sĩ thắp nén tâm hương tưởng nhớ, tri ân những người đã hy sinh vì Tổ quốc.
Tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Him Lam, anh Lò Văn Giàng, phường Tân Thanh (thành phố Điện Biên) cho hay: “Năm nào tôi cũng đưa các con đi viếng nghĩa trang liệt sĩ và kể cho các con nghe những câu chuyện lịch sử. Điều này giúp các con tự hào về truyền thống, để từ đó tiếp bước các thế hệ ông cha mà sống, học tập, lao động cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả”.
Để góp phần tái hiện những trang sử hào hùng, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, dịp kỷ niệm 67 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa trên mảnh đất Điện Biên anh hùng. Nổi bật là việc xây dựng đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ trên Đồi F (nối liền với Đồi A1) với tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng... Công trình đang được khẩn trương thi công, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021.
Còn tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, bức tranh Panorama - tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ đã hoàn thành, phục vụ người dân đến tham quan, tìm hiểu. Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ Vũ Thị Tuyết Nga cho biết, nội dung bức tranh tái hiện chân thực, sinh động những hình ảnh, khoảnh khắc tiêu biểu của Chiến dịch Điện Biên Phủ, gồm 4 trường đoạn: “Toàn dân ra trận”, “Khúc dạo đầu hùng tráng”, “Cuộc đối đầu lịch sử” và “Chiến thắng Điện Biên”. Đây là tác phẩm nghệ thuật độc đáo, vừa giúp người xem cảm thụ nghệ thuật, vừa là dữ liệu quý giá về Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Không khí kỷ niệm 67 năm Chiến thắng Điện Biên phủ hiển hiện khắp mọi phố, phường, làng của tỉnh Điện Biên. Đâu đâu cũng rực đỏ sắc cờ Tổ quốc; nhân dân phấn khởi, sống yên vui. Đặc biệt, tất cả các hoạt động trên địa bàn tỉnh Điện Biên được thực hiện theo đúng những quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Nghĩa tình Hà Nội - Điện Biên
Điện Biên hôm nay đã đổi thay, phát triển từng ngày, cuộc sống của người dân ngày càng ổn định. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo ở Điện Biên còn cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của cả nước. Hiện nay, toàn tỉnh còn gần 40.000 hộ nghèo, bằng 29,97% tổng số hộ trên địa bàn (cả nước là 2,75%)...
Phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã có nhiều việc làm thiết thực nhằm hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Điện Biên. Cùng với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của thành phố cũng có nhiều hoạt động thiết thực. Tiêu biểu như, hằng năm, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội tổ chức phiên chợ Tết vùng cao cho đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên; Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội hỗ trợ sinh kế cho một số trường hợp phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn thông qua chương trình “Đồng hành với phụ nữ biên cương”...
Dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Điện Biên, lực lượng Cựu chiến binh trên địa bàn Hà Nội tiếp tục chung tay hỗ trợ cho đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Đại tá Vũ Thanh Thảo, Trưởng ban Kinh tế (Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội), cho biết: “Chúng tôi vừa trao tặng 100 triệu đồng cho Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên để hỗ trợ về nhà ở cho gia đình cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh”.
Đáng chú ý, vào dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ hằng năm, Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội gồm đại diện các sở, ngành, đơn vị chức năng tổ chức dâng hương tưởng niệm tại các nghĩa trang liệt sĩ: A1, Him Lam, Độc Lập và Tông Khao.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, tại các nghĩa trang này có gần 7.000 mộ phần các anh hùng liệt sĩ. Việc tổ chức lễ dâng hương thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân của chính quyền và nhân dân Thủ đô với các Anh hùng liệt sĩ; đồng thời, thể hiện nghĩa tình của nhân dân Hà Nội với đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên.