Hội họa Việt và bài toán giữ giá
Văn hóa - Ngày đăng : 17:00, 08/05/2021
Những bức tranh có giá kỷ lục
Bức "Chân dung cô Phương" của họa sĩ Mai Trung Thứ (1906-1980) được nhà đấu giá Sotheby's Hong Kong bán ngày 18-4 vừa qua, đạt mức giá 24.375.000 đô la Hồng Kông (tương đương 3,1 triệu USD, tức là gần 72,5 tỷ đồng). Đây là mức giá công khai cao nhất từ trước đến nay đối với một bức tranh của tác giả người Việt, phá kỷ lục 1,4 triệu USD mà tác phẩm “Khỏa thân” của danh họa Lê Phổ đã lập cách đây 2 năm.
Họa sĩ Mai Trung Thứ là một trong những họa sĩ tốt nghiệp khóa đầu tiên (1925-1930) của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông được xếp vào nhóm "Việt Nam tứ kiệt" cùng 3 danh họa Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm. Bức tranh sơn dầu "Chân dung cô Phương" (kích thước 135,5 x 80cm) của ông từng được trưng bày lần đầu tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1930. Sau đó, tác phẩm được tuyển chọn để tham dự Triển lãm quốc tế thuộc địa năm 1931 ở Paris. Sự nổi tiếng của họa sĩ và tác phẩm lý giải phần nào cho mức giá kỷ lục nói trên.
Kỷ lục đó một lần nữa khẳng định rằng, tranh của các họa sĩ Việt Nam, đặc biệt là các họa sĩ thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương đã thu hút sự quan tâm lớn của những nhà sưu tầm tranh trên thế giới. Có thể kể đến một số tác phẩm được đấu giá với mức cao như bức sơn dầu "Khỏa thân" của họa sĩ Lê Phổ (1907-2001) được nhà đấu giá Christie's Hong Kong bán ra ngày 26-5-2019, đạt mức 1,4 triệu USD (tương đương 32,5 tỷ đồng); cùng thời điểm, bức tranh "Tan mộng" của họa sĩ Tô Ngọc Vân (1906-1954) được nhà đấu giá Christie's Hong Kong bán ra với giá gần 1,2 triệu USD (tương đương hơn 27 tỷ đồng).
Trước đó, bức "Đời sống gia đình" của họa sĩ Lê Phổ được nhà đấu giá Sotheby's Hong Kong bán ra ngày 2-4-2017 với mức gần 1,2 triệu USD. Một số tác phẩm tranh sơn mài "Cảnh ngôi chùa cổ ở miền Bắc Việt Nam" của họa sĩ Phạm Hậu (1903-1995), bức "Người phụ nữ bên các con" của họa sĩ Lê Thị Lựu (1911-1988), "Em bé và chú chim" của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (1892-1984), "Nhìn từ đỉnh đồi" của họa sĩ Lê Phổ... cũng có giá trên dưới 1 triệu USD.
Trách nhiệm “giữ giá”
Việc những tác phẩm hội họa Việt ngày càng trở nên có giá là niềm khích lệ, tự hào lớn lao với những người yêu mỹ thuật nước nhà. Xung quanh mức giá kỷ lục của tác phẩm "Chân dung cô Phương", nhiều họa sĩ cho rằng: Bên cạnh danh tiếng của họa sĩ Mai Trung Thứ, chất lượng tác phẩm thì một yếu tố quan trọng nữa là xuất xứ đảm bảo (khả năng bị làm giả thấp) của tác phẩm cũng chính là điều khiến tác phẩm này có giá cao như vậy.
Việc này cũng gợi lại một vấn đề nan giải của mỹ thuật Việt Nam hiện nay, đó là nạn tranh giả và cần làm gì để “giữ giá” cho tranh Việt. Nhiều nhà phân tích lấy trường hợp của họa sĩ Bùi Xuân Phái để chứng minh: Trước đây, thị trường tranh của Bùi Xuân Phái tại Việt Nam từng rất sôi động nhưng cũng nhanh chóng nguội đi vì tranh giả quá nhiều. Danh họa Bùi Xuân Phái cũng là người có tranh bị làm giả nhiều bậc nhất Việt Nam.
Họa sĩ Thành Chương lý giải: Các nhà sưu tầm muốn mua tranh có giá trị lớn nhưng ở một thị trường tràn lan tranh giả, họ không dám mua nữa. Chính nạn tranh giả đã tạo nên hình ảnh thị trường xấu xí, tồi tệ. Đó là một cái giá đắt vô cùng cho cả họa sĩ và những người yêu tranh.
Họa sĩ, nhà nghiên cứu Phạm Long từng chia sẻ: “Trong 10 năm trở lại đây, tác phẩm của các tác giả thuộc giai đoạn Mỹ thuật Đông Dương được đặc biệt chú ý, nhiều tác phẩm được bán với giá cao, vì vậy, nhiều tác phẩm đã bị làm giả, ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín của nền mỹ thuật nước nhà”.
Bức "Chân dung cô Phương" lập kỷ lục về giá đối với hội họa Việt, nhưng so với các tác phẩm trong khu vực thì vẫn chưa đạt được mức xứng đáng như kỳ vọng. Điều này càng đặt ra yêu cầu sớm khôi phục sự lành mạnh của thị trường mỹ thuật trong nước nếu muốn những kiệt tác có được chỗ đứng xứng đáng trên thị trường thế giới, bởi tranh càng rõ ràng về xuất xứ, bản quyền thì càng có cơ hội bán được với giá cao.