Nhiệm vụ quan trọng
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:59, 09/05/2021
Điều dễ nhìn thấy nhất hiện nay là nhiều nghệ sĩ trẻ đời sống còn khó khăn, chưa sống được bằng nghề. Nỗi lo "cơm, áo, gạo, tiền" chưa lúc nào nguôi với họ, nhất là với những người gắn bó với các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, kịch, cải lương… Mức lương theo hạng, bậc của nghệ sĩ trẻ đã thấp, nhiều người còn thuộc diện lao động hợp đồng. Cùng với đó là các khoản bồi dưỡng ngày càng ít đi do đơn vị nghệ thuật bị giảm nguồn thu... Chưa kể các đơn vị phải thu gọn cả về quy mô lẫn nhân sự để đủ kinh phí hoạt động. Những yếu tố này đã tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm của nghệ sĩ trẻ và việc giữ chân họ là một bài toán khó đặt ra cho người quản lý đơn vị nghệ thuật.
Vật lộn với cuộc sống để bám trụ với nghề đã gian nan, nay lại thêm tác động tiêu cực của dịch Covid-19, khiến người nghệ sĩ cùng các đơn vị nghệ thuật càng thêm khó khăn. Nhiều vấn đề đặt ra, trong đó có yêu cầu cắt giảm nhân sự và nghệ sĩ trẻ thường bị đặt lên “bàn cân” trước tiên; rồi đời sống, thu nhập của nghệ sĩ gặp khó khăn, phải làm thêm những việc khác mà khó chuyên tâm với nghề…
Trong bộn bề khó khăn, nhiều đơn vị nghệ thuật cũng như những nghệ sĩ trẻ đã vượt lên chính mình, tìm mọi cách giữ “lửa nghề” và tỏa sáng. Đây là điều đáng quý và dù trong bối cảnh nào, thì những nghệ sĩ trẻ vẫn phải lấy đây là phương châm theo đuổi đam mê, dám hy sinh, không ngừng sáng tạo, rèn giũa chuyên môn để có cơ hội cống hiến, khẳng định tài năng. Đặc biệt, với một số nghệ sĩ trẻ, việc phải cố gắng mưu sinh bằng các công việc khác là điều khó tránh khỏi, nhưng bất luận thế nào vẫn phải giữ gìn danh tiếng, hoạt động nghệ thuật trong tâm thế chỉn chu, nghiêm túc và cầu tiến.
Cùng với đó, những nghệ sĩ trẻ phải biết phát huy lợi thế về sức trẻ, lòng nhiệt huyết, sự thích nghi nhanh với các nền tảng công nghệ giải trí hiện đại kết hợp với việc không ngừng học hỏi kinh nghiệm của các thế hệ nghệ sĩ lớn tuổi để trau dồi kỹ năng diễn xuất, từng bước tìm chỗ đứng trong lòng khán giả.
Ở góc độ vai trò đơn vị nghệ thuật cũng như cơ quan quản lý phải tạo ra được hệ sinh thái nghệ thuật đủ tốt cho nghệ sĩ trẻ có môi trường phát triển. Cụ thể hơn là tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động nghệ thuật phát triển; xây dựng các đề án phát triển tài năng kết hợp với bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật… Đặc biệt, cơ quan quản lý nghệ thuật cùng các địa phương cần tăng cường tổ chức các sân chơi, cuộc thi tài năng trẻ để phát hiện nguồn nhân lực chất lượng cao cho nghệ thuật biểu diễn, nhất là sân khấu truyền thống… Các đơn vị nghệ thuật, bên cạnh việc gìn giữ giá trị tinh hoa và những nguyên tắc nghệ thuật, cần thể hiện rõ sự quan tâm, chăm lo cho thế hệ nghệ sĩ trẻ bằng cách tạo thêm nhiều đất diễn cho họ; giúp nghệ sĩ trẻ được tương tác nhiều hơn với các thế hệ nghệ sĩ gạo cội cũng như tiếp xúc với môi trường nghệ thuật bên ngoài để có điều kiện phát triển toàn diện hơn.
Điều cần quan tâm nhất trong nghệ thuật là phát triển lớp kế cận, trong đó, nhiệm vụ quan trọng là phải trân trọng, bồi dưỡng và sử dụng tài năng trẻ.