Làng Cổ Nhuế Hoàng
Xã hội - Ngày đăng : 12:47, 06/01/2005
Vào tháng Hai năm Đinh Mão niên hiệu Thuận Thiên (1027), người con trai thứ năm của Vua Lý Thái Tổ là Đông Chinh Vương trên đường đem quân đi đánh giặc ở châu Văn Lãng (nay thuộc tỉnh Lạng Sơn) theo lệnh Vua cha đã qua làng Noi, được dân làng ra tiếp đón và hậu đãi. Vương cảm động. Trước khi Vương rời làng ra trận, các cụ trong làng hỏi xin nếu Vương không may hy sinh nơi trận tiền thì cho được lập đền thờ. Vương ưng thuận, nhưng thấy dân làng nghèo nên dặn lại rằng, khi cúng thì chỉ nên cúng những thứ bánh mà quân sĩ ăn lót dạ khi ra trận.
Về sau, trước khi mất, Vương dặn lại chị gái là Tả Minh Hiên công chúa cho dân làng tiền để dựng đền thờ, cắm đất dựng đền ở giữa cánh đồng. Sau khi Vương mất, dân làng theo lời dặn, dựng đền thờ Vương và phụ thờ Tả Minh Hiên công chúa tại đó, rồi bỏ làng cũ, chuyển đến sinh sống ở khu vực đền. Đấy là Cổ Nhuế Hoàng. Để dân làng trọn việc thờ Đông Chinh Vương, Vua Lý Thái Tông (anh trai của Vương) đã cắt cho làng Noi 1600 mẫu, lại cho dân làng được miễn thuế và các phu phen tạp dịch. Nhưng vì ruộng nhiều, dân ít, không làm xuể, nên phần lớn ruộng bị hoang hóa. Về sau, làng phát triển sang phía Đông, lập thành ba làng mới là Cổ Nhuế Đống, Cổ Nhuế Trù và Cổ Nhuế Viên.
Cho đến đầu thế kỷ XX, bốn làng này vẫn nằm chung một đơn vị hành chính cơ sở là xã Cổ Nhuế, thuộc tổng Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Năm 1926, xã Cổ Nhuế được chia thành ba xã : Cổ Nhuế Hoàng, Cổ Nhuế Viên và Cổ Nhuế Trù - Đống. Từ đầu năm 1943, xã Cổ Nhuế Hoàng được cắt về Đại lý đặc biệt Hoàn Long, có 1535 nhân khẩu.
Cổ Nhuế Hoàng cũng như các làng Cổ Nhuế khác đều là các làng nông nghiệp, có đồng ruộng rộng, bằng phẳng, màu mỡ. Nhân dân cần cù làm ăn, có kinh nghiệm thâm canh. Từ lâu, dân làng có tập quán đi các nơi, nhất là vào nội thành lấy phân bắc về ủ cho hoai để bón ruộng, nên lúa và hoa màu ở đây rất tốt. Xưa có câu “Đào Nhật Tân, phân Cổ Nhuế” là nói về nghề này.
Làng Cổ Nhuế Hoàng có ngôi chùaSùng Quang tự. Tương truyền chùa do bà Tả Minh Hiên công chúa cho dân làng tiền để xây dựng, về sau chùa đã qua nhiều lần tu bổ, trong đó có lần tu bổ lớn vào niên hiệu Cảnh Hưng đời Lê Hiển Tông (1740 - 1786). Bia trong chùa cho biết, người đứng ra tu bổ chùa lần này là bà Nguyễn Thị Hậu. Bà được ông nội là Chu Văn Tình, làm quan đến chức Thượng tướng quân, tước Cẩm Khê bá trong phủ Chúa Trịnh đưa vào Phủ, làm vú nuôi cho Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Liên là con gái Chúa Trịnh Giang. Vì có công đó nên bà Liên xin Trịnh Giang cho cắt 5 mẫu đất ở giữa làng để làm chợ làng, gọi là chợ Noi, một tháng họp sáu phiên, vào các ngày mồng một và mồng sáu.
Cổ Nhuế Hoàng xưa có truyền thống hiếu học. Làng có ông Hoa Quý Khâm đỗ Tiến sĩ khoa Quý Mùi niên hiệu Cảnh Hưng (1763), làm quan đến chức Cấp sự trung, Hiến sát sứ Nghệ An. Hai người em của ông là Hoa Quý Cẩm, Hoa Quý Trân đều đỗ Hương cống vào đời CảnhHưng. Con cháu ông về sau đổi thành họ Văn, hậu duệ về sau là Đại tướng Văn Tiến Dũng. Thời Nguyễn, làng có một số người đỗ Tú tài.
Cổ Nhuế Hoàng cùng với các làng Cổ Nhuế khác sớm tiếp thu ánh sáng cách mạng Đảng. Năm 1940 tại đây đã hình thành Chi bộ ghép Cổ Nhuế - Bưởi, đến cuối năm tách thành chi bộ độc lập. Trong những năm 1941 - 1945, Cổ Nhuế là một điểm trong An toàn khu của Trung ương.
TS. Bùi Xuân Đính