Để nhiều người dân biết đến trợ giúp pháp lý

Đời sống - Ngày đăng : 07:04, 09/05/2021

(HNM) - Sau hơn 3 năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý, nhận thức của người dân, cán bộ cơ quan nhà nước đã có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người yếu thế chưa tiếp cận được dịch vụ ưu việt này, đòi hỏi phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, có cơ chế thu hút nguồn lực hơn nữa để nhiều người dân biết đến hoạt động trợ giúp pháp lý…

Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý cho người dân trên địa bàn Thủ đô, tháng 3-2021.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc thông tin, trợ giúp pháp lý được xác định là trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, nhất là người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Sau hơn 3 năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý, số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý tăng lên, cùng với đó, chất lượng trợ giúp pháp lý không ngừng được nâng cao, thể hiện qua việc lực lượng này thường xuyên được bồi dưỡng, trau dồi kỹ năng hành nghề, nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn người trợ giúp pháp lý tương đương luật sư. Nhờ đó, trợ giúp viên pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý tăng cả về số lượng, chất lượng. Đặc biệt, tổng số vụ việc tham gia tố tụng được thực hiện trong năm 2020 tăng mạnh so với năm 2019, trong đó gần 1/3 vụ việc thành công. Tại không ít tỉnh, thành phố, nhiều trợ giúp viên pháp lý thực hiện 70-90 vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng trong 1 năm. Một số đoàn luật sư như Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, ngoài việc tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân ngay tại địa phương, còn phối hợp với UBND nhiều tỉnh, thành phố đưa các nhóm luật sư đi trợ giúp pháp lý miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, số vụ việc trợ giúp pháp lý cho người nghèo, nhóm yếu thế vẫn còn hạn chế so với nhu cầu; đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý chưa nhiều, đặc biệt là tại các tỉnh miền núi…

Theo Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Phan Văn Hùng, Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011. Trong Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc, trong đó có việc hỗ trợ các vấn đề liên quan tới quyền của người cao tuổi, trợ giúp pháp lý. Do đó, Bộ Tư pháp cần phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền về pháp luật, xây dựng hệ thống tư vấn, trợ giúp pháp lý thân thiện... để người dân, đặc biệt là người cao tuổi, người nghèo dễ dàng tiếp cận khi có nhu cầu.

Ở góc nhìn khác, bà Nguyễn Thị Thiệu ở xã Thắng Lợi (huyện Thường Tín, Hà Nội) cho rằng, thời gian qua, các cuộc trợ giúp pháp lý cho hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện do Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố Hà Nội, Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 6 phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thường Tín, Phòng Tư pháp huyện Thường Tín tổ chức rất bổ ích, trúng các vấn đề người nghèo, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự, người khuyết tật, người cao tuổi… quan tâm. Một số gia đình có băn khoăn về chính sách dồn điền đổi thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được các trợ giúp viên pháp lý tư vấn hướng giải quyết. Do đó, cần tăng cường tổ chức các hội nghị tập huấn kiến thức về pháp luật và trợ giúp pháp lý cho các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng thì đông đảo người dân sẽ biết và đến các trung tâm trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.

Để tăng nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh cho biết, Liên đoàn sẽ hướng dẫn cụ thể trách nhiệm của đoàn luật sư trong việc quản lý, giám sát luật sư tham gia trợ giúp pháp lý.

Bộ Tư pháp cũng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin trong trợ giúp pháp lý để ngày càng nhiều người biết đến dịch vụ này. Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) phối hợp với Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý địa phương tăng cường thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý, hỗ trợ người dân, đặc biệt các vụ việc tham gia tố tụng. Đối với những địa phương gặp khó khăn, vướng mắc, Cục Trợ giúp pháp lý sẽ cử cán bộ xuống tận nơi hỗ trợ để ngày càng có thêm nhiều người yếu thế được tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý.

Lý Mai - Hà Phong