Ngăn chặn xe quá tải bằng trạm cân tự động

Giao thông - Ngày đăng : 06:31, 10/05/2021

(HNM) - Từ hiệu quả của mô hình thí điểm hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe tự động được Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải) triển khai trên tuyến quốc lộ 5, Hà Nội cũng đang đẩy nhanh thủ tục đầu tư, lắp đặt hệ thống thiết bị này tại các tuyến đường bộ trọng yếu trên địa bàn. Trước mắt, ngay trong năm 2021, thành phố sẽ thí điểm đầu tư tại 4 “điểm nóng” vi phạm quy định về tải trọng, qua đó nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động vận tải…

Hiệu quả từ mô hình thí điểm trên quốc lộ 5

Từ ngày 15-8-2020, Tổng cục Ðường bộ Việt Nam chính thức đưa hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe tự động, do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA) tài trợ, vào hoạt động thí điểm trên quốc lộ 5 (đặt tại Km78+830, chiều Hải Phòng - Hà Nội).

Tính đến thời điểm này, đây là hệ thống cân kiểm soát tải trọng xe tự động hiện đại nhất nước ta, vì không cần lực lượng túc trực tại chỗ như với loại hình cân tải trọng cũ. Với camera chuyên dụng, tích hợp thiết bị cảm biến đặt dưới mặt đường, hệ thống cân tự động kiểm soát các thông tin, như: Tên chủ xe, khối lượng hàng hóa được phép chở, kích thước thành thùng…, sau đó sẽ tự động phân tích, tính toán phương tiện có vi phạm tải trọng không. Nhờ công nghệ hiện đại, hệ thống cân này có thể tính tải trọng xe ở trạng thái dừng hoặc di chuyển ở vận tốc đến 80km/giờ trong 3-10 giây.

Trong thời gian thí điểm, từ ngày 15-8-2020 đến 14-2-2021, số lượt xe vi phạm về tải trọng trên quốc lộ 5 đã giảm 49,3 lần (từ 6,9% xuống còn 0,14%); số lượt xe vi phạm theo ngày đã giảm bình quân 48,9 lần (từ 176 lượt xe/ngày xuống còn 3,6 lượt xe/ngày) so với 7 tháng đầu năm 2020.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện khẳng định, hệ thống này giám sát 100% lượt xe lưu thông trên đoạn đường đặt thiết bị cân. Hầu hết chủ phương tiện, sau khi nhận được thông báo vi phạm, đều chấp hành quyết định xử phạt. Tình trạng xe quá tải nhanh chóng được ngăn chặn, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội… Từ kết quả trên, Tổng cục đã kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải tiếp tục duy trì kiểm soát tải trọng xe tự động trên quốc lộ 5; đồng thời, xây dựng đề án nhân rộng ra toàn quốc…

Hà Nội triển khai tại 4 trạm kiểm soát

Từ hiệu quả của mô hình trên, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã chủ động nghiên cứu và báo cáo UBND thành phố đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị cân kiểm soát tải trọng xe tự động trên các tuyến đường bộ trọng yếu của Thủ đô.

Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, Thanh tra Sở đã phát hiện nhiều trường hợp thay đổi kết cấu thành, thùng xe để chở quá tải, ảnh hưởng kết cấu mặt đường và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông… Trong khi đó, các lực lượng chức năng của thành phố hiện đang phải kiểm soát tải trọng bằng cân xách tay di động, trạm cân di động nên hiệu quả còn chưa cao.

Do vậy, trên cơ sở thống nhất của liên ngành, Sở đã kiến nghị và được thành phố chấp thuận chủ trương lập dự án đầu tư lắp đặt trạm cân tự động tại 15 vị trí bằng nguồn vốn ngân sách. Trong đó, có những vị trí được coi là “điểm nóng” vi phạm chở quá tải trọng, như: Đường Võ Văn Kiệt, đầu bờ Bắc cầu Thăng Long, đường Tây Tựu (đường 70), quốc lộ 1A, đường 429, đường Hồ Chí Minh…

Vừa qua, thành phố Hà Nội đã đưa vào kế hoạch đầu tư trong năm 2021, với việc thí điểm, khai thác trước 4 trạm kiểm soát tải trọng xe tự động, bao gồm: Vị trí đầu bờ Bắc cầu Thăng Long; tuyến quốc lộ 32 (đoạn thuộc địa bàn thị xã Sơn Tây); đường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) và đường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai). Hệ thống cân mà Hà Nội dự kiến đầu tư cũng tương tự như mô hình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang áp dụng trên quốc lộ 5.

Ông Nguyễn Việt Đông (ngõ 670 đường Nguyễn Khoái, quận Hoàng Mai) cho rằng, lâu nay dư luận vẫn bức xúc trước tình trạng những đoàn xe tải vi phạm chở quá tải. Vì vậy, bằng hệ thống cân tự động không có sự can thiệp của con người, hy vọng vi phạm chở quá tải được xử lý dứt điểm.

“Việc sớm đầu tư, lắp đặt trạm cân tự động sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông đường bộ, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định về tải trọng, qua đó làm tăng tuổi thọ công trình kết cấu hạ tầng giao thông; ngăn chặn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá cước vận tải…”, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định.

Tuấn Lương