"Độc hành"

Văn hóa - Ngày đăng : 07:58, 06/01/2005

Mấy năm nay, người ta thường thấy tên dịch giả Lê Bầu trên bìa những cuốn tiểu thuyết hay như  Quỷ Thành, Hoài Niệm Sói (Giả Bình Ao), Thị trấn Phù Dung (Cổ Hoa), Sầu quê dằng dặc (Quỳnh Dao), và sách của nhiều tác giả đang nổi đình đám ở Trung Quốc như Mạc Ngôn, Trì Lợi, Cao Hành Kiện, A Văn…

Mấy năm nay, người ta thường thấy tên dịch giả Lê Bầu trên bìa những cuốn tiểu thuyết hay nhưQuỷ Thành, Hoài Niệm Sói (Giả Bình Ao), Thị trấn Phù Dung (Cổ Hoa), Sầu quê dằng dặc (Quỳnh Dao), và sách của nhiều tác giả đang nổi đình đám ở Trung Quốc như Mạc Ngôn, Trì Lợi, Cao Hành Kiện, A Văn… Đã có những NXB đề nghị ông dịch lại những cuốn đã được dịch, đã phát hành, thậm chí đã được tái bản, bởi họ không hài lòng với bản dịch cũ. Với cung cách ấy, bạn bè cứ tưởng ông chìm đắm hoàn toàn trong biển văn học Trung Hoa mà quên hẳn sáng tác. Nhưng không phải thế.

Độc hành gồm tám truyện, cả ngắn cả vừa, không thể coi là “dầy”, chỉ có 280 trang,nhưng cũng gọi là có cái gáy. “Nhẹ tay” thế, nhưng trong lòng nó lại trĩu nặng tâm tư, nguyện ước của những con người Hà Nội. Nhân vật đều là người Hà Nội, bối cảnh là đền Ngọc Sơn, Bờ Hồ, là ngõ hẻm, ngõ cụt, những con phố không có một số nhà, là phường giấy Yên Thái, làng vàng bạc Định Công… Nhân vật chính đều là nghệ sĩ, nghệ nhân làm nghệ thuật. Phải chăng, ông muốn thông qua những “bạn nghề”, “đồng nghiệp” này, để gửi gắm tâm tư, ước nguyện, những sở cầu trong văn nghiệp có nhiều trắc trở của ông ? Cho nên trong tất cả những nhân vật đều có khát khao chung là được sáng tạo theo cung cách, cảm hứng của chính mình. Chung một “lý tưởng cao cả” ấy, nhưng cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của họ lại diễn ra khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.

Trong Những bức tranh, cô họa sĩ bị tan vỡ gia đình, vì người chồng không hiểu gì về nghệ thuật. Chỉ khi cô gặp được “người bạn đường”, “người bạn đời” thông cảm với nghề nghiệp, những bức tranh vẽ ra mới bớt màu ảm đạm, nặng nề… Trong Người đến đền sớm nhất là ông họa sĩ lang thang, vì thuốc thang của vợ, vì cơm áo cho đàn cháu “con liệt sĩ nhưng chưa được công nhận là liệt sĩ” nên phải đi vẽ “chân dung lấy ngay, không giống không lấy tiền”, cam chịu bị dè bỉu, không vẽ được nhiều “cô áo tím”, “đầy chất hội họa”… như ông mong muốn. Trong Hai người buồng bên kia, anh họa sĩ và cô nhạc công vĩ cầm yêu nhau thắm thiết… Anh phải dằn lòng để lại người yêu cùng phòng tranh của mình, trong đó có bức chân dung “Cô gái kéo vĩ cầm”, vẽ xong trong đêm cuối cùng ở Hà Nội trước hôm lên đường ra trận. Cô gái cũng ra đi theo đoàn thanh niên xung phong cùng với chiếc vĩ cầm của mình… Cuối cùng họ cũng trở về, nhưng anh họa sĩ trở về quá muộn, nên họ lại phải trải thêm những mất mát, hy sinh, mới được bên nhau. Nhưng hạnh phúc không bền, bởi chất độc da cam tích tụ trong họa sĩ trẻ đã để cô nhạc công cho ra đời hai đứa trẻ không phải là “nghệ sĩ tương lai”.

Trong Người thợ vẽ, nhân vật chính là một nghệ nhân thư họa, gọi nôm na là ông thợ vẽ. Ông sống vào thời sông Thiên Phù còn đổ nước vào Hồ Tây, dân làng giấy Bưởi hằng năm vẫn phải gánh vào kinh những tờ giấy sắc vẽ rồng mây. Ông dấn thân vào kiếp giang hồ, ở ẩn sau một mối tình ngang trái, sau lời từ chối cô con gái nhà quan muốn đi trốn cùng ông, để khỏi bị cưỡng bức làm cung nữ. Ông sợ thảm họa sẽ ập xuống gia đình nhà cô, khi bị buộc vào tội khi quân. Ông lang thang kiếm sống bằng cách bán chữ bán tranh trong những phiên chợ quê, nhất là những phiên chợ Tết…

Tất cả thời gian còn lại, ông dành cho người yêu dấu thủy chung trinh bạch, bị cường quyền cướp mất. Mỗi đêm sương giăng mờ mịt trên hồ Mù Sương (Dâm Đàm), “bóng dáng cố nhân” lại lãng đãng như gần như xa, như mơ như thực giữa mặt hồ mênh mang. Trong giây phút xuất thần ấy, ông mạnh đi những nét tài hoa, ghi lại “Chân dung người con gái”…Nhưng rồi tài hoa bị triều đình biết tới, ông bị triệu vào cung để trang trí long ly quy phượng cho một cung điện vừa xây xong. Những con rồng “đẹp khác thường”, ông bị vua hiếu sắc, văn dốt võ dát đổ cho tội “làm hỏng, làm phí phạm lụa mực của triều đình”, giam xuống ngục. Cho đến khi ông vua ấy hiểu ra được cái đẹp của những bức tranh rồng phượng, thì cũng là lúc ông thợ vẽ vĩnh viễn ra đi.

Cuộc đời những nhân vật của Lê Bầu luôn gặp sóng gió, bập bềnh trôi nổi, nhưng không bao giờ rời bỏ khao khát vươn tới cái đẹp văn nghệ cao cả chẳng khác gì cuộc đời của ông vậy.

Độc hành được Lê Bầu đặt tên chung cho cả tập, hẳn vì nó là truyện ông ưng ý nhất. Thực ra cũng khó cân đong nặng nhẹ giữa các tác phẩm, bởi cái nào cũng đã chín, chắc tay và chứa chất bao nỗi.

HNM

ANHTHU