Bản lĩnh người dầu khí trong đại dịch Covid-19

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 11:03, 13/05/2021

Trước diễn biến đại dịch Covid-19 phức tạp trong nước và các quốc gia láng giềng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cũng như các đơn vị thành viên đã và đang chủ động thắt chặt, tăng cường các giải pháp ứng phó dịch bệnh, chuyển từ “phòng ngự” sang “tấn công” với mục tiêu cao nhất: Bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người lao động, duy trì thông suốt hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chủ động, quyết liệt với chủ trương “nhiều vòng - nhiều lớp”

Khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở trong nước, tại cuộc họp giao ban trực tuyến tại 8 điểm cầu trong cả nước với lãnh đạo các đơn vị thành viên, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chỉ đạo rõ, các đơn vị cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tập trung đánh giá các rủi ro, biến động của dịch bệnh để cập nhật, triển khai các giải pháp ứng phó để duy trì nhịp độ sản xuất, kinh doanh, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, lãnh đạo tập đoàn liên tiếp ban hành các chỉ thị yêu cầu các đơn vị, đoàn thể trong tập đoàn tập trung rà soát cơ sở vật chất, nhân lực, điều kiện, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở, bảo đảm phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe người lao động; yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống dịch, bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, phương tiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống; tăng cường các hình thức họp trực tuyến; tập trung tuyên truyền, phổ biến tới cán bộ, công nhân viên thực hiện nghiêm yêu cầu "5K" theo đúng quy định.

Cán bộ, công nhân viên Nhà máy Đạm Phú Mỹ đeo khẩu trang trong suốt quá trình tiến hành bảo dưỡng tổng thể.

Thực hiện nghiêm các chỉ thị từ tập đoàn, các đơn vị trực thuộc Petrovietnam đã và đang triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái chủ động. Vietsovpetro siết chặt thực hiện việc khai báo, xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho các đối tác, nhân viên nhà thầu… trước khi ra công trình biển đối với người đi đến, trở về từ các tỉnh, thành có ca nhiễm Covid-19 trong vòng 14 ngày tính đến ngày đi biển. Tương tự, Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) cũng yêu cầu các đơn vị, dự án chủ động rà soát, kiểm tra, bảo đảm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan tại nơi làm việc và các công trình dầu khí ngoài khơi; chuẩn bị sẵn sàng các phương án huy động nhân sự thích hợp, bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh... Đối với các dự án, công trình khí của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), các yêu cầu, chỉ thị phòng, chống dịch bệnh được tuân thủ nghiêm ngặt, bảo đảm nhịp độ lao động.

Tại khu vực miền Trung, sau khi Đà Nẵng, Quảng Ngãi có ca nhiễm Covid-19, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã nhanh chóng kích hoạt tình huống khẩn cấp phòng, chống dịch cấp 1. BSR chủ động phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ngãi tiến hành lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 138 người lao động trực tiếp sản xuất. Với Nhà máy Đạm Phú Mỹ (Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí - PVFCCo) hiện có sự tham gia của một số chuyên gia đến từ nước ngoài, các biện pháp phòng, chống dịch “nhiều vòng, nhiều lớp” được thực hiện nghiêm ngặt hơn bao giờ hết. PV Power, PVDrilling, PTSC, PVCFC, BIENDONG POC, Sông Hậu 01… cũng đưa ra nguyên tắc “nhiều vòng, nhiều lớp” để kiểm soát chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn, hạn chế thấp nhất các nguy cơ.

Ngày 12-5, Petrovietnam phối hợp với Bộ Y tế tiêm vắc xin Covid-19 cho người lao động.

BSR tiến hành xét nghiệm PCR cho nhân sự trực tiếp sản xuất.

Có cả sự hy sinh thầm lặng

Trong năm 2020, những tháng đầu năm 2021, hàng nghìn người lao động Dầu khí đã và đang bị kẹt lại ở nước ngoài. Điển hình như những cán bộ biệt phái của PVEP hàng năm trời không đổi ca, làm việc và sinh hoạt tại khu mỏ nằm giữa sa mạc Sahara đầy khắc nghiệt, những thuyền viên trên các con tàu của PVTrans kẹt trên các vùng biển quốc tế... Trong đó, không ít hoàn cảnh mang những nỗi niềm không dễ sẻ chia, nhưng người dầu khí đã tự mình vượt qua những ngày tháng khó khăn nơi xứ người, tiếp tục công việc và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Những lúc này, sự quan tâm, động viên từ ban lãnh đạo các đơn vị bằng những cuộc trò chuyện qua điện thoại trực tuyến, email thăm hỏi, cổ vũ tinh thần, bằng chính sách ưu tiên về chế độ tiền lương và phụ cấp, những lần thăm hỏi người thân của cán bộ, nhân viên, người lao động ở quê nhà, đã không chỉ tiếp thêm nghị lực, tinh thần, còn làm ấm lòng người dầu khí xa quê... 

Có thể nói, nếu trong những điều kiện thuận lợi bình thường, người lao động dầu khí luôn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thì trong hoàn cảnh bất định, đầy khó khăn như hiện nay, người dầu khí càng thể hiện bản lĩnh cũng như ý chí, nghị lực của mình. Họ nỗ lực ngày đêm để làm việc, bởi nhiều người trong số họ giờ đây phải đảm nhận thêm phần việc của đồng nghiệp do thực hiện biện pháp giãn cách phòng, chống dịch.

Câu chuyện anh Lê Bá Tuấn, hiện đang làm việc cho dự án khai thác dầu khí của Tập đoàn/PVEP tại Algeria, là một trường hợp điển hình. Anh đã không thể trở về Việt Nam kể từ tháng 2-2020. Những diễn biến nghiêm trọng tại châu Âu và một số nước Bắc Phi, trong đó có Algeria đã khiến tình hình thay đổi, anh Tuấn và tất cả anh em Việt Nam tại dự án đều không về được. Bế tắc kéo dài, may sao, đến tháng 7-2020, Chính phủ bố trí được chuyến bay giải cứu công dân xuất phát từ Pháp, vì vậy, anh em dự án mới có cơ hội trở về. Ngặt nỗi, số chỗ ngồi có hạn, là lãnh đạo, lại nhiều tuổi nhất, từng nhiều năm công tác xa nhà, anh Tuấn đã ở lại, nhường cơ hội cho anh em trẻ dù lòng anh đau đáu khi nghĩ đến gia đình với vợ ốm, cha già. Đây chính là sự hy sinh thầm lặng của rất nhiều người dầu khí trong đại dịch.

Đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng nhờ những nỗ lực của người lao động, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của Petrovietnam vẫn được bảo đảm thông suốt, an toàn tuyệt đối.

Thanh Hải