Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương

Xã hội - Ngày đăng : 06:51, 14/05/2021

(HNM) - Trải qua chặng đường 70 năm, dù trong hoàn cảnh nào, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương Hà Nội luôn đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham mưu, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương. Nhân dịp này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, về những đóng góp của ngành Công Thương trong sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội.

Giai đoạn 2021-2025, ngành Công Thương đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành Công nghiệp 7,5-8%. Trong ảnh: Hoàn thiện, đóng gói sản phẩm tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: Thanh Tùng

- Những thành tích nổi bật mà ngành Công Thương Thủ đô đạt được trong chặng đường 70 năm qua là gì, thưa đồng chí?

- Trên chặng đường 70 năm, ngành Công Thương Hà Nội luôn đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng. Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, ngành Công Thương Thủ đô đã làm tốt công tác tham mưu với UBND thành phố về quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực Công Thương. Hằng năm, Sở Công Thương đều thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính; góp phần cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI)…

Giai đoạn 2011-2020, Sở Công Thương đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, như: Đề án phát triển công nghiệp thành phố Hà Nội giai đoạn 2014-2015, định hướng đến năm 2020; Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng tới năm 2025; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng vật liệu mới vào chế tạo sản phẩm; đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến… Nhờ đó, sản xuất công nghiệp liên tục tăng trưởng, bứt phá. Giá trị tăng thêm của công nghiệp giai đoạn 2011-2015 bình quân đạt 9,2%/năm; giai đoạn 2016-2020 đạt 7,45%/năm (do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2020). Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng chủ yếu (khoảng 91%); công nghiệp công nghệ cao dần phát triển…

Cùng với công nghiệp, lĩnh vực thương mại đã dẫn dắt thị trường và hội nhập thành công. Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn giai đoạn 2011-2015 đạt 15,5%/năm, giai đoạn 2016-2020 đạt 9,15%/ năm. Cung cầu hàng hóa trên địa bàn được bảo đảm, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, gây “sốt” giá đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết, hay khi có thiên tai, dịch bệnh. Xuất khẩu có những bước phát triển vượt bậc, khi kim ngạch xuất khẩu trung bình giai đoạn 2011-2015 tăng 5,25%/ năm, giai đoạn 2016-2020 tăng 8,81%/năm.

- Là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển thương mại, dịch vụ, Hà Nội đã có những giải pháp, chính sách gì để thúc đẩy ngành Công Thương phát triển, thưa đồng chí?

- Sở Công Thương đã tham mưu UBND thành phố ban hành Quy định quản lý và phát triển hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội; Kế hoạch phát triển thương mại - dịch vụ văn minh hiện đại trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025; Chương trình phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội; Đề án “Quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025”... Đây là những căn cứ quan trọng để triển khai công tác quản lý và phát triển dịch vụ, thương mại văn minh, hiện đại đạt hiệu quả.

Sở cũng đưa vào vận hành website “Bản đồ mua sắm thành phố Hà Nội” tại địa chỉ http://bandomuasam.hanoi.gov.vn từ năm 2015 nhằm đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn thành phố…

Một điểm quan trọng nữa, đó là thành phố phối hợp tổ chức nhiều hoạt động giao thương liên kết giữa Hà Nội với các vùng, địa phương, từng bước hình thành chuỗi giá trị liên kết tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa… Hạ tầng thương mại được đặc biệt quan tâm phát triển, đến nay, thành phố đã có 29 trung tâm thương mại, 130 siêu thị, 455 chợ, 1.840 cửa hàng tiện ích...

Đặc biệt, công tác bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa được thành phố Hà Nội triển khai hiệu quả từ năm 2007 đến nay. Việc tham gia Chương trình bình ổn giá đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp liên doanh, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ; khai thác nguồn hàng từ các tỉnh, thành phố khác nhằm bù đắp lượng hàng hóa còn thiếu mà Hà Nội không tự chủ động được. Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, lượng hàng hóa luôn được cung ứng đầy đủ.

- Xin đồng chí cho biết những kế hoạch cụ thể mà ngành đề ra để đóng góp vào mục tiêu phát triển chung của thành phố Hà Nội trong thời gian tới?

- Trong thư chúc mừng nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Công Thương (14/5/1951 - 14/5/2021), đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội bày tỏ tin tưởng, ngành Công Thương Hà Nội sẽ phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, với tinh thần trách nhiệm cao và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Với kỳ vọng đó, giai đoạn 2021-2025, ngành Công Thương đặt mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành Công nghiệp 7,5-8%; tỷ trọng công nghiệp chế tạo trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) chiếm 17%; tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%; tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9-10%.

Cùng với đó, tiếp tục cơ cấu lại ngành Công nghiệp, hoàn thành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; gắn kết các doanh nghiệp theo chuỗi sản xuất, hình thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, thiết bị điện - điện tử, tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu mới… Xây dựng Hà Nội thành trung tâm thương mại lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á; thúc đẩy xuất, nhập khẩu; phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ, thương mại điện tử, các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại.

Sở Công Thương cũng tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước; thực hiện tốt vai trò trung tâm kinh tế - tài chính - dịch vụ chất lượng cao của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, khu vực phía Bắc và cả nước.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thanh Hiền