Tuyển sinh, đào tạo nghề - chủ động thích ứng

Giáo dục - Ngày đăng : 06:22, 14/05/2021

(HNM) - Dịch Covid-19 tái bùng phát từ cuối tháng 4-2021 đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyển sinh, đào tạo nghề đang ở giai đoạn tập trung, cao điểm của thành phố Hà Nội. Dù gặp nhiều khó khăn, song các trường nghề trên địa bàn thành phố đã chủ động thay đổi phương pháp để thích ứng với tình hình mới, nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh.

Giảng viên của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội hướng dẫn sinh viên qua hệ thống đào tạo trực tuyến E-Learning.

Sáng kiến thiết kế chương trình đào tạo

Để bảo đảm chất lượng dạy và học trong bối cảnh có dịch Covid-19, ngay sau khi có quyết định học viên, sinh viên tạm dừng đến trường từ ngày 4-5, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã chuyển sang đào tạo theo hình thức trực tuyến. Dù đã có kinh nghiệm triển khai, song việc đào tạo nghề theo hình thức này vẫn gặp không ít khó khăn.

Vượt qua những khó khăn, đội ngũ giáo viên đã có hàng loạt sáng kiến trong việc thiết kế chương trình đào tạo. Giảng viên Khoa Điện tử - Điện lạnh, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ Hà Nội Lê Văn Dũng cho biết: “Đặc thù của học nghề là chú trọng thực hành. Giờ học thực hành thường diễn ra trực tiếp tại phòng thực hành, nhà xưởng… Để bảo đảm chất lượng đào tạo theo hình thức trực tuyến, chúng tôi đã dùng phần mềm mô phỏng hoặc sử dụng thiết bị thực tế để hướng dẫn người học”.

Cùng với đó, các nhà trường đã thiết kế chương trình giảng dạy phù hợp. Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc, nhà trường đã triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến E-Learning. Phần mềm này được thiết kế linh hoạt, phù hợp với nhiệm vụ đào tạo của nhà trường, giúp thầy và trò làm chủ kiến thức, công nghệ. Còn tại Trường Cao đẳng nghề Thương mại và Du lịch Hà Nội, Hiệu trưởng Trịnh Thị Thu Hà thông tin: “Chúng tôi tổ chức đào tạo trực tuyến với nhiều môn học. Việc dạy và học theo hình thức này vừa bảo đảm chất lượng đào tạo, vừa tạo sự cơ động cho người dạy, người học”.

Học nghề với tinh thần chủ động, sáng tạo, hầu hết học viên, sinh viên hứng thú với chương trình học tập trực tuyến. Học viên Hoàng Thị Như Quỳnh, ngành Công nghệ thông tin (Trường Trung cấp nghề Cơ khí Hà Nội 1) chia sẻ: “Thị trường lao động cần những người lao động vững tay nghề. Do đó, dù học theo hình thức nào, chúng tôi cũng cố gắng học tập cho tốt để có việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp”.

Đội ngũ giáo viên Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội phối hợp với chuyên gia Đức nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo nghề cho phù hợp với tình hình mới.

Linh hoạt trong tuyển sinh

Cùng với hoạt động đào tạo, tháng 4 và 5 hằng năm là thời gian “vàng” để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư vấn hướng nghiệp, tổ chức tuyển sinh. Để có nguồn đầu vào chất lượng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng những phương án tuyển sinh linh hoạt.

Tại Trường Cao đẳng Y - Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội, nhà trường đang tuyển sinh các ngành: Dược, Điều dưỡng, Y học cổ truyền với nhóm đối tượng đã tốt nghiệp hệ trung cấp cùng chuyên ngành hoặc đã tốt nghiệp hệ cao đẳng, đại học ngành khác, nhưng có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp. Thời gian đào tạo là 15-18 tháng, học theo hình thức trực tuyến.

Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y - Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội Phạm Trung Kiên, hiện còn một bộ phận không nhỏ người lao động có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp, trong khi thị trường đang thiếu lao động được đào tạo bài bản. Nắm bắt khoảng trống này, nhà trường tập trung tuyển sinh nhóm đối tượng có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp.

Cũng xác định rõ việc tuyển sinh luôn theo sát diễn biến của thị trường lao động, năm nay, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh hệ sơ cấp, trung cấp với hơn 1.000 chỉ tiêu, chiếm gần 60% tổng số chỉ tiêu của nhà trường. Đối tượng hướng tới là người lao động phổ thông bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có nhu cầu học nghề để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn.

Nắm bắt rõ xu hướng cần nhiều nhân lực công nghệ thông tin để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp quan tâm tuyển sinh các ngành liên quan đến lĩnh vực này. Một số đơn vị tuyển sinh hàng trăm chỉ tiêu các ngành liên quan đến công nghệ thông tin, như các trường: Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội; Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội; Trung cấp nghề Kỹ thuật tin học Hà Nội…

Nhằm bảo đảm đầu ra cho người học, hơn 360 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã ký kết hợp tác với 600 doanh nghiệp để thực hiện tuyển sinh, đào tạo nghề. Là doanh nghiệp đang phối hợp với một số cơ sở trong hoạt động đào tạo nghề, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Chuẩn Vũ Thị Quỳnh Anh khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận người lao động đáp ứng được yêu cầu công việc sau khi họ hoàn thành chương trình đào tạo”.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song nhờ tinh thần chủ động thích ứng, năm 2020, kết quả tuyển sinh, đào tạo nghề của Hà Nội vẫn vượt mục tiêu đề ra. Với kinh nghiệm đã tích lũy được, năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu tuyển sinh được 220.500 lượt học viên, sinh viên.

Thu Hiền