Làn sóng Covid-19 thứ hai tại Ấn Độ: Cản trở đà phục hồi kinh tế
Thế giới - Ngày đăng : 06:32, 14/05/2021
Một tuyên bố của Moody's nêu rõ: “Do tác động tiêu cực của làn sóng Covid-19 thứ hai, chúng tôi đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ, có tính đến lạm phát từ mức 13,7% đưa ra trước đó, xuống còn 9,3% cho tài khóa 2021-2022 và từ 6,2% lên 7,9% trong tài khóa 2022-2023”. Tổ chức này đánh giá triển vọng tiêu cực đối với Ấn Độ, cho rằng những trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế, nợ cao và hệ thống tài chính yếu kém đang làm hạn chế triển vọng tín nhiệm quốc gia.
Năm ngoái, Ấn Độ đã phong tỏa nghiêm ngặt toàn quốc để ngăn chặn dịch lây lan, khiến kinh tế giảm 23,9% trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 6-2020. Tuy nhiên, trong 3 tháng cuối năm 2020, nền kinh tế Ấn Độ ghi nhận mức tăng GDP 0,4%, chấm dứt suy thoái kinh tế. Đầu tháng 4-2021, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ lên 12,5%, tốc độ nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn. Bây giờ, khi các ca nhiễm Covid-19 tăng vọt, sự lạc quan đó đang bị hoài nghi.
Trong nhiều ngày liên tiếp, số ca nhiễm mới Covid-19 tại quốc gia Nam Á duy trì ở mức trên 300.000, số ca tử vong hằng ngày vượt qua 3.000 người, những con số thậm chí được cho là thấp hơn nhiều so với thực tế, buộc chính quyền phải tái áp đặt các biện pháp phong tỏa. Tại thủ đô New Delhi, các con phố vắng bóng người; các khu chợ, siêu thị gần như đóng cửa hoàn toàn theo lệnh của chính quyền địa phương, nhằm ngăn chặn lây nhiễm. Cảnh tượng đó cũng lặp lại ở Mumbai, trung tâm tài chính chiếm 6% GDP đất nước. Teresa John, nhà phân tích của Nirmal Bang Equities có trụ sở tại Mumbai cho biết, các biện pháp ngăn chặn đại dịch riêng ở từng địa phương sẽ là lực cản đối với tăng trưởng. Hiện 10 bang của Ấn Độ, chiếm khoảng 80% số ca Covid-19, đang đóng góp gần 65% GDP.
Đại dịch không chỉ khiến bệnh viện, nhà hỏa táng quá tải, mà còn đánh mạnh vào lòng tin của người tiêu dùng đối với nền kinh tế mới chỉ vừa bước vào giai đoạn hồi phục sau mức suy thoái kỷ lục trong năm 2020. Tổng mức bán lẻ giảm mạnh, trong khi các thông số đo lường hoạt động của doanh nghiệp tại thời điểm này cũng thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Đây được xem là nguy cơ lớn, bởi tiêu dùng chiếm khoảng 60% GDP của Ấn Độ. Nghiên cứu mới của Đại học Azim Premji (Ấn Độ) cho thấy, khoảng 230 triệu người dân nước này rơi vào cảnh nghèo khó vì tác động của đại dịch Covid-19 trong năm 2020. Tình trạng sẽ diễn biến tồi tệ hơn trong năm 2021 khi Ấn Độ trải qua làn sóng dịch bệnh thứ hai vô cùng nghiêm trọng.
Trong bối cảnh này, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã thông báo biện pháp hỗ trợ mới để giảm áp lực kinh tế từ làn sóng dịch bệnh thứ hai. Theo đó, ngày 5-5 vừa qua, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã công bố một gói thanh khoản trị giá 500 tỷ rupee (6,8 tỷ USD) để hỗ trợ các nhà sản xuất vắc xin, cung cấp thiết bị y tế, bệnh viện và bệnh nhân trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, đồng thời tiến hành đợt tái cơ cấu mới cho đối tượng vay cá nhân và doanh nghiệp nhỏ.
Việc tái áp đặt các lệnh phong tỏa sẽ hạn chế hoạt động kinh tế và có thể làm suy yếu thị trường cũng như tâm lý người tiêu dùng. Tuy nhiên, Moody's đánh giá, tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Ấn Độ sẽ chỉ giới hạn trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6-2021, sau đó sẽ phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.