Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19
Nông nghiệp - Ngày đăng : 16:00, 14/05/2021
Theo Bộ NN&PTNT, trong 4 tháng đầu năm 2021, cùng với những điều kiện thuận lợi về thời tiết, khí hậu, sản xuất nông, lâm, thủy sản đang dần hồi phục, thị trường tiêu thụ đối với nhiều mặt hàng vẫn được khơi thông, mở rộng, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,2% so với năm 2020 và tăng ở các nhóm ngành hàng chính, nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất và thúc đẩy tiêu thụ nông sản gặp một số khó khăn do nhiều loại nông sản xuất khẩu chủ lực có tính chất mùa vụ, dễ gặp trở ngại về tiêu thụ khi thu hoạch, nhất là phải đối mặt với những khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đặc biệt, mùa vải, nhãn sắp thu hoạch trong khi nhóm cây ăn quả này có diện tích, sản lượng lớn, mùa vụ thu hoạch tập trung trong thời gian ngắn là áp lực lớn đối với tiêu thụ. Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, cần chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với sản lượng của từng địa phương.
Ông Phạm Văn Trinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, để giảm áp lực lưu thông hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cần tăng cường biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi về thủ tục thông quan, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh biên giới. Về lâu dài, các doanh nghiệp cần chuyển sang hình thức chính ngạch để tiêu thụ thuận lợi.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính thành lập Tổ công tác liên ngành để giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến sản xuất và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là ở các cửa khẩu biên giới. Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao thông tin đến Đại sứ quán ở các nước về thị trường tiêu thụ và những điều chỉnh mới về chính sách nhập khẩu để chủ động xuất khẩu nông sản, thích ứng diễn biến dịch Covid-19.
Cùng với đó, Bộ cũng sẽ có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng các địa phương giáp biên giới của Trung Quốc, đề nghị phối hợp, hỗ trợ nhằm tạo thuận lợi, thúc đẩy thương mại, tránh ứ đọng hàng hóa.