Bài 2: Bảo đảm công bằng
Chính trị - Ngày đăng : 06:36, 15/05/2021
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Bám sát các quy định, hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện việc niêm yết công khai, trang trọng danh sách chính thức những ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tạo thuận lợi cho cử tri đến tìm hiểu, nắm bắt thông tin về tiểu sử trích ngang của ứng cử viên.
Theo đó, 4.831 khu vực bỏ phiếu trên toàn thành phố đã, đang được quan tâm trang bị bảo đảm cơ sở vật chất khang trang; thành viên các tổ bầu cử được tập huấn, nắm vững quy trình, hướng dẫn từ trang trí đến bố trí điểm niêm yết danh sách cử tri, danh sách ứng cử viên tạo điều kiện cho cử tri dễ dàng tìm hiểu thông tin. Ngoài ra, các đơn vị còn tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân, cử tri nắm rõ ý nghĩa của cuộc bầu cử; quyền lợi, trách nhiệm của cử tri.
Về vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử quận Cầu Giấy Nguyễn Văn Chiến cho biết, quận có 89 khu vực bỏ phiếu tại 8 phường. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, không chỉ treo pano, khẩu hiệu, viết bài tuyên truyền, phát thanh, Ủy ban Bầu cử quận còn chỉ đạo tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND” trong toàn quận.
Còn Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử quận Hoàn Kiếm Nguyễn Thị Phương Chung chia sẻ, quận có 98 địa điểm bỏ phiếu. Để người dân, cử tri nắm rõ về cuộc bầu cử, danh sách, tiểu sử các ứng cử viên, ngoài tuyên truyền tại các điểm bỏ phiếu và 108 điểm tuyên truyền xung kích, quận còn chỉ đạo 26 lượt đoàn xe tuyên truyền lưu động tại các ngõ phố nhằm thu hút sự quan tâm của người dân.
Thị xã Sơn Tây có 136 khu vực bỏ phiếu, trong đó 25 khu vực bỏ phiếu riêng của các đơn vị quân đội và trung tâm cai nghiện, đến nay, 100% trụ sở UBND thị xã, các xã, phường, khu vực bỏ phiếu đã niêm yết tiểu sử người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Tương tự, quận Thanh Xuân có 118 khu vực bỏ phiếu, đã hoàn thành niêm yết danh sách 177.942 cử tri và danh sách các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Thanh Xuân Ngô Minh Hồng cho biết, ngoài các hoạt động tuyên truyền bằng pano, khẩu hiệu, viết bài phát thanh, quận còn mở chuyên mục “Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026” trên ứng dụng Zalo. Cử tri Hoàng Xuân Phương, phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) nhận xét, việc tuyên truyền đa dạng của quận lan tỏa đến mọi người dân trên địa bàn về cuộc bầu cử, giúp cử tri nắm chắc các quy định, đi bầu đúng, đủ các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, để ngày 23-5 tới thực sự là ngày hội của toàn dân.
Linh hoạt trong vận động bầu cử
Từ nay đến ngày 22-5 (thời điểm kết thúc vận động bầu cử) cũng là giai đoạn cao điểm Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở các địa phương tổ chức tiếp xúc cử tri để những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vận động bầu cử.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, để giúp người ứng cử thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động bầu cử, Ủy ban Bầu cử thành phố đã ban hành “Gợi ý xây dựng chương trình hành động của người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và ứng cử đại biểu HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026”; tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm xây dựng chương trình hành động của ứng cử viên.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, theo hướng dẫn của Trung ương và thành phố, nhiều địa phương đã quyết định tổ chức vận động bầu cử kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tiêu biểu như: Đơn vị bầu cử số 1, số 3, số 4 đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội (gồm các quận: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàng Mai và huyện Gia Lâm) đã tổ chức tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử trực tiếp tại trụ sở UBND quận, huyện và hình thức trực tuyến tới các phường trên địa bàn. Cử tri tham dự đều thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, như: Sát khuẩn tay, khử trùng, ngồi giãn cách, đeo khẩu trang, khai báo y tế…
Đánh giá về hình thức tổ chức này, cử tri Nguyễn Thị Ngọc Diễm (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) cho rằng, việc tiếp xúc cử tri trực tuyến là hình thức mới nhưng rất hiệu quả, cử tri yên tâm hơn khi không phải gặp trực tiếp nhiều người, bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 mà vẫn được nghe giới thiệu tường tận về chương trình hành động của người ứng cử. Đặc biệt, cử tri cũng được bày tỏ quan điểm với ứng cử viên như đang tiếp xúc trực tiếp.
Ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV (Đơn vị bầu cử số 10, gồm các huyện: Sóc Sơn, Mê Linh) Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu trung ương chia sẻ: “Tôi rất trân trọng việc Ủy ban Bầu cử thành phố và các cấp, ngành của Hà Nội quan tâm, tạo điều kiện thông tin về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; hướng dẫn các ứng cử viên xây dựng chương trình hành động chu đáo, chân thành, trách nhiệm. Việc vận động bầu cử trực tiếp kết hợp với trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 cũng bảo đảm quyền lợi tối đa cho các ứng cử viên”.
(Còn nữa)