Góp phần phát triển công nghiệp văn hóa
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:59, 16/05/2021
Theo xu hướng của thời kỳ “thế giới phẳng” và để thích nghi với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các nghệ sĩ mỹ thuật, nhiếp ảnh đã tìm cho mình phương thức hoạt động mới. Không chỉ dừng lại ở những hoạt động giới thiệu, triển lãm đơn lẻ trực tiếp, hiện nhiều nghệ sĩ đã ứng dụng công nghệ số để đưa tác phẩm đến đông đảo công chúng yêu nghệ thuật.
Cùng với các sàn đấu giá truyền thống trực tiếp, nhiều sàn giao dịch trực tuyến uy tín cũng đã hoạt động như: Không gian nghệ thuật Việt Nam - Vietnam Art Space, sàn giao dịch tác phẩm nghệ thuật trực tuyến của Công ty cổ phần Tầm nhìn mỹ thuật Đông Dương - Indochine Art… Những chuyển đổi này đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thưởng thức, sở hữu những tác phẩm nghệ thuật của công chúng cũng như giới nghề. Từ đó, thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh dần sôi động và các tác phẩm được nâng tầm giá trị.
Tuy đã có khởi sắc, nhưng để có động lực phát triển thì mỹ thuật và nhiếp ảnh phải gây dựng được thị trường vững chắc, bởi đó là yếu tố tạo nền tảng góp phần cho nền công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện.
Nói đến thị trường thì phải có bên bán - bên mua. Do đó, giới nghệ sĩ phải chú trọng quảng bá tác phẩm đến công chúng. Cần mở rộng quy mô và tăng tần suất các hoạt động triển lãm trên diện rộng để tạo môi trường giao lưu theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp nhằm “đánh thức” công chúng có cách cảm nhận, cách nhìn đúng về nghệ thuật. Khi nhận thức của công chúng được nâng cao, sẽ kéo theo sự sôi động của thị trường. Từ đó, sẽ kích đẩy tinh thần, giúp đội ngũ nghệ sĩ thêm động lực sáng tác phục vụ đời sống.
Khi đã có được thị trường, các nghệ sĩ cần tạo uy tín về chất lượng tác phẩm; nâng tính chuyên nghiệp, ứng dụng sâu hơn thế mạnh của công nghệ để thương mại hóa sản phẩm. Mỗi tác giả tìm tòi, đổi mới, sáng tạo tác phẩm có định hướng lành mạnh, gắn với quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, tiếp tục tìm giải pháp phù hợp với thực tiễn thực hiện hiệu quả Quyết định 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 về Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, cần đưa ra những chủ trương, định hướng để mỹ thuật, nhiếp ảnh phát triển dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của giá trị văn hóa.
Với điều này cũng cần nhấn thêm, thị trường phát triển sẽ đi liền với nạn xâm phạm bản quyền mỹ thuật, nhiếp ảnh. Do đó, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh xử lý vi phạm trong lĩnh vực này. Song, để đạt hiệu quả, chính các tác giả cũng phải đề cao trách nhiệm trong đấu tranh với nạn sao chép tranh, ảnh… để khẳng định giá trị lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ chân chính, cũng như tạo sự minh bạch cho đầu ra của tác phẩm.
Mỹ thuật, nhiếp ảnh phải phát triển đồng bộ giữa các ngành và tương quan với sự phát triển kinh tế - xã hội nên cần lắm những cú hích từ cơ chế, chính sách trong tạo dựng cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực, nuôi dưỡng nhân tài… Từ đó, mỹ thuật, nhiếp ảnh sẽ trở thành những mảnh ghép hoàn hảo cho nền công nghiệp văn hóa, góp phần vào sự phát triển của đất nước.