Cửu vị thần công trong Đại nội Huế
Du lịch - Ngày đăng : 05:08, 16/05/2021
Cửu vị thần công được đúc không nhằm mục đích chiến đấu và thực tế chưa bao giờ khai hỏa. Các khẩu thần công này tượng trưng cho các vị thần bảo vệ vương triều, là đồ tế khí dùng để trang trí và thị uy cho kinh thành, hoàng cung thêm phần oai nghiêm.
9 khẩu thần công được chia làm 2 nhóm: Nhóm “Tứ thời” gồm 4 khẩu Xuân - Hạ - Thu - Đông và nhóm “Ngũ hành” gồm 5 khẩu Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Trước kia, cửu vị thần công được đặt trước Ngọ Môn - cửa chính của Hoàng thành, trong hai dãy Pháo xưởng; nay được đặt ở cửa Thể Nhơn (cửa Ngăn) và cửa Quảng Đức (cửa Sập) của Kinh thành Huế.
Mỗi khẩu thần công có chiều dài 5,1m với đường kính trong của nòng là 22,5cm; trên thân có khắc nhiều chi tiết hoa văn trang trí tinh xảo và các bài văn ngắn nói về lai lịch của thần công. Chuôi thần công có khắc tên và thứ bậc của mỗi khẩu, như khẩu Xuân được mệnh danh là “Đệ nhất cửu vị thần uy”... Trên gối đỡ có khắc bài văn nói về cách pha chế thuốc đạn.
Mỗi khẩu thần công có trọng lượng khác nhau, khẩu lớn nhất nặng 18.400 cân, khẩu nhẹ nhất là 14.300 cân (1 cân ta = 0,604kg); trọng lượng trung bình mỗi khẩu là 11.000kg. 9 khẩu thần công được đặt trên một giá súng bằng gỗ lim - cũng được chạm trổ công phu với những hoa văn hình rồng, mây. Mỗi giá súng có 4 bánh xe bằng gỗ bọc sắt dùng để di chuyển. Trọng lượng trung bình mỗi giá súng là 900kg.
Cửu vị thần công được coi là tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ, thể hiện nghệ thuật - kỹ thuật luyện kim và đúc đồng đỉnh cao thời Nguyễn. Trải qua hơn 200 năm, cửu vị thần công vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn, hiện diện như một phần quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngày 1-10-2012, cửu vị thần công được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia Việt Nam.