Tiêm vắc xin, không quên 5K

Sức khỏe - Ngày đăng : 05:30, 16/05/2021

(HNMCT) - Dịch Covid-19 tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp với sự xuất hiện nhiều ổ dịch nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Hơn lúc nào hết, việc tuân thủ yêu cầu phòng dịch cần phải được mỗi người dân đặc biệt quan tâm.

Tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 tại điểm tiêm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Đặng Tú

Không từ chối cơ hội tiêm vắc xin

Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh, Việt Nam đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19. Theo Bộ Y tế, đến nay cả nước đã có gần 100.000 người tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 của AstraZeneca.

Tuy nhiên, hiện dư luận đang lo lắng khi có bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vẫn mắc Covid-19 sau tiêm vắc xin. Đặc biệt, ngày 7-5 đã xảy ra vụ việc đáng tiếc khi một nữ nhân viên y tế tại tỉnh An Giang tử vong sau khi tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19. Theo kết luận của Sở Y tế An Giang, nguyên nhân dẫn đến tử vong là sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid (giảm đau kháng viêm). Đây là trường hợp rất hiếm gặp trong thực tế tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Trước các vụ việc nêu trên, nhiều người tỏ ra lo lắng nhưng khẳng định sẽ không từ chối cơ hội tiêm vắc xin: “Nếu đến lượt được tiêm, tôi vẫn sẵn sàng song sẽ nhờ cán bộ y tế tư vấn kỹ càng về nguy cơ. Cán bộ y tế sẽ quyết định việc có nên tiêm hay không, còn bản thân tôi sẽ không từ chối cơ hội tiêm chủng”, chị Nguyễn Thị Thùy Linh (phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) khẳng định. Theo chị Linh, tiêm vắc xin là cần thiết để phòng dịch và để khi không may mắc bệnh thì tình trạng cũng giảm nhẹ, tránh tối đa nguy cơ tử vong.

Còn theo ý kiến của bác Phạm Thị Ngoan (Cầu Giấy, Hà Nội): “Người dân nhiều nước trên thế giới mong mỏi được tiêm vắc xin, không cớ gì tôi lại từ chối tiêm. Điều quan trọng là tôi muốn được cán bộ y tế tư vấn kỹ càng. Tôi cũng yên tâm hơn khi các cơ sở tiêm chủng thực hiện tốt quy trình, bảo đảm an toàn, xử trí nhanh với tai biến có thể xảy ra sau tiêm”.

Với gần 100.000 liều vắc xin đã được tiêm, thống kê trên diện rộng về các phản ứng sau tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 cho thấy, đến nay có 16% phản ứng thông thường sau tiêm như đau tại chỗ, sốt nhẹ... Triệu chứng này hết sau 24 giờ. Tỷ lệ này là thấp so với các nước trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hiệu quả của vắc xin phòng Covid-19 đã được thế giới công nhận. Tuy nhiên, không một loại vắc xin nào đạt hiệu quả 100%. “Vẫn có nguy cơ sau tiêm vắc xin người tiêm có thể vẫn bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 nhưng bệnh sẽ nhẹ đi”.

Không chỉ vắc xin phòng Covid-19, theo Tiến sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc, khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, thực tế tiêm chủng nhiều năm qua ở Việt Nam cũng như thế giới cho thấy, rất nhiều trường hợp bị nhiễm vi rút sau khi tiêm vắc xin, nhất là khi mới chỉ tiêm một mũi vắc xin. Do đó, người được tiêm vẫn có thể nhiễm bệnh và là nguồn lây cho người khác.

Không quên 5K

Khẳng định quy trình tiêm chủng của Việt Nam rất chặt chẽ, bảo đảm an toàn, người dân cần có niềm tin, người đứng đầu ngành Y tế - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, các cơ sở tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khỏe. Bộ Y tế cũng quy định người tiêm được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng. Đồng thời, diện đối tượng chống chỉ định tiêm chủng ở Việt Nam cũng mở rộng hơn so với các nước.

"Việt Nam đang làm rất tốt công tác tiêm chủng. Mỗi người dân hãy đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, nếu không có vắc xin và không thực hiện nguyên tắc 5K thì chúng ta không thể chiến thắng đại dịch Covid-19", Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định. Dù đã tiêm hay chưa tiêm vắc xin, trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng hiện nay, ý thức chống dịch của người dân cần được nâng cao để mỗi gia đình, cá nhân là một pháo đài chống dịch.

Để hạn chế dịch bệnh lây lan phức tạp, theo ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, sau khi tiêm vắc xin, kể cả là mũi 1 hay đủ 2 mũi, người được tiêm vẫn phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm. Với Covid-19 hiện nay, đó là biện pháp 5K: Đeo khẩu trang; thực hiện khử khuẩn; giữ khoảng cách; không tập trung đông người; khai báo y tế.

An Hà