Sáng tác ca khúc về tình yêu đất nước: Thêm động lực để bứt phá
Văn hóa - Ngày đăng : 05:40, 16/05/2021
Cuộc vận động sáng tác quy mô lớn
Ngay từ những ngày sơ khai của nền tân nhạc Việt Nam, công chúng đã say sưa với những ca khúc cách mạng tràn đầy tình yêu đất nước, tự hào dân tộc, cùng nhau kêu gọi đấu tranh. Điều đó thể hiện ngay từ sức ảnh hưởng của ca khúc “Cùng nhau đi Hồng binh” (sáng tác nhạc sĩ Đinh Nhu), được coi là ca khúc “nhạc đỏ” đầu tiên của Việt Nam, đến những ca khúc gắn với tên tuổi của nhiều thế hệ nhạc sĩ sau này.
Thời gian gần đây, khi đất nước đứng trước những sự kiện lớn, nhu cầu thưởng thức ca khúc mới về đề tài đất nước của công chúng cũng tăng cao, tuy nhiên, số lượng ca khúc thực sự chinh phục được người nghe không nhiều. Bài hát “Việt Nam quê hương tôi” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác từ năm 1968 gần như là lựa chọn mẫu mực, khó có thể thay thế cho rất nhiều chương trình nghệ thuật về chủ đề quê hương, đất nước trong hàng chục năm liền.
Gần đây, ca khúc “Việt Nam ơi” của nhạc sĩ Minh Beta sáng tác năm 2011 cũng là một hiện tượng đặc biệt khi được rất nhiều ca sĩ thể hiện, được dùng trong nhiều sự kiện từ cổ vũ bóng đá, các hoạt động tập thể và được biết đến rất rộng rãi trong những đợt tuyên truyền, khích lệ toàn dân phòng, chống dịch Covid-19.
Đáp ứng nhu cầu của công chúng, Đài Tiếng nói Việt Nam vừa phát động cuộc vận động sáng tác ca khúc với chủ đề: “Hát lên Việt Nam - Let's sing Vietnam” nhằm khuyến khích các tác giả sáng tác những ca khúc ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam, ngợi ca sức trẻ, thành tựu trong công cuộc dựng xây, bảo vệ Tổ quốc... Đây là cuộc vận động sáng tác rộng rãi nhất, toàn diện nhất dành cho các tác giả chuyên, không chuyên trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và những tác giả nước ngoài muốn chia sẻ tình yêu đối với Việt Nam.
Thêm động lực, thêm cơ hội
Là tác giả ca khúc “Hát lên Việt Nam”, được lấy làm chủ đề cho cuộc vận động sáng tác, nhạc sĩ Cát Vận - nguyên Trưởng ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng: “Năm 2030 là kỷ niệm 100 năm Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và đặc biệt, năm 2045 là 100 năm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi cho rằng đó là cột mốc lịch sử đang vẫy gọi chúng ta đi”. Theo nhạc sĩ, đây chính là thời điểm đặc biệt để các nhạc sĩ cất lên những lời ca “như lời cổ vũ, vẫy gọi chúng ta, những con tim Việt Nam đều hát lên Việt Nam”.
Bên cạnh đó, cuộc sống với sự đổi thay từng ngày, những kỳ tích mà nhân dân ta đã đạt được trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hay cuộc chiến chống dịch bệnh... cũng sẽ tạo ra cảm xúc mới cho các tác giả. Thực tế, trong những ngày chống dịch vừa qua, đã có hàng loạt ca khúc ra đời để cổ vũ tinh thần toàn dân chống dịch, khơi gợi lòng tự hào dân tộc..., cho thấy đề tài về quê hương, Tổ quốc vẫn là một đề tài lớn mà nhạc sĩ ấp ủ, chờ thời điểm đủ cảm xúc để tuôn trào. Chính vì vậy, theo nhiều nhạc sĩ, cuộc vận động này sẽ góp phần tạo động lực để có những tác phẩm thực sự chinh phục được đông đảo người nghe.
Nhạc sĩ An Hiếu chia sẻ: “Có lẽ lâu lắm rồi tôi mới thấy một cuộc thi có quy mô như vậy. Đề tài rất rộng, ca ngợi quê hương, đất nước. Tôi muốn tham gia bởi đây là một cuộc thi mang nhiều ý nghĩa. Tôi tin sau đây sẽ có rất nhiều bài hát ra đời và đi vào đời sống. Vì hiện nay không có nhiều bài hát mới mang tính chính trị và phục vụ cho cộng đồng như tinh thần sáng tác của cuộc thi này”.
Nhạc sĩ Cát Vận cũng cho rằng: “Hát lên Việt Nam - Let’s sing Vietnam” không chỉ là một cuộc thi, mà còn là một cuộc vận động lớn mang nhiều ý nghĩa. Chúng tôi nghĩ rằng sự bứt phá của các nhạc sĩ trẻ gần đây là một động lực góp phần vào sự phát triển của âm nhạc Việt Nam đương đại. Điều này chứng tỏ các bạn trẻ đang rất quan tâm, chỉ cần chúng ta có sự động viên kịp thời, bằng những cuộc thi mang tính chất như “Hát lên Việt Nam”.
Điều đặc biệt, các ca khúc có chất lượng cao tham gia cuộc vận động sẽ được “tiếp sức” để lan tỏa rộng rãi thông qua việc dàn dựng, thu thanh và giới thiệu trên sóng phát thanh, truyền hình và các nền tảng số của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đây chắc chắn là cơ hội tốt để các nhạc sĩ quảng bá cho đứa con tinh thần của mình.