Đáp ứng tâm nguyện của Người

Chính trị - Ngày đăng : 05:22, 16/05/2021

(HNNN) - Kể từ ngày độc lập đến ngày 23-5-2021 này, đất nước ta đã có 15 kỳ bầu cử Quốc hội để chọn những người đủ đức, đủ tài lo gánh vác việc dân, việc nước, cơ nghiệp non sông và cứ đến mỗi kỳ bầu Quốc hội, toàn dân ta lại bồi hồi xúc động nhớ về những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu, Người đã mang lại nền độc lập và cho nhân dân ta được “hưởng dụng quyền dân chủ của mình”.

 Tranh cổ động tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp 2021-2026. Tranh của Nguyễn Ngọc Khai

1. Cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 - lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, nhân dân ta được “hưởng dụng quyền dân chủ của mình”. Đó là cuộc “Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập”, cuộc Tổng tuyển cử thể hiện sức mạnh của toàn dân tộc Việt Nam đoàn kết chặt chẽ để chống thực dân và đã tranh được quyền độc lập. Như Bác Hồ khẳng định: “Từ xưa đến nay, toàn quốc chưa bao giờ tuyển cử, vì xưa dân chưa bao giờ làm chủ mình, xưa dân phải nghe theo lời vua quan, sau phải nghe thực dân Pháp, Nhật... Ta phải hy sinh nhiều mới có cái quyền cầm lá phiếu..., mới đòi được cái quyền bầu cử”. Đó là niềm vinh quang, tự hào mà Bác Hồ và Đảng đã mang lại cho toàn thể dân ta.

Và ngày 23-5-2021 này, dân ta vừa vui sướng kỷ niệm lần thứ 131 năm ngày sinh Bác Hồ kính yêu, vừa thực hiện quyền làm chủ của mình để bầu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Nếu cuộc bầu cử Quốc hội lần đầu tiên vào ngày 6-1-1946, “quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã: Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ, Kiên quyết chống bọn thực dân, Kiên quyết tranh quyền độc lập” như lời Bác Hồ đã chỉ rõ, thì cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ XV và HĐND các cấp lần này diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa quan trọng: Đại hội Đảng khóa XIII thành công tốt đẹp, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ phát triển đất nước nhanh và bền vững trong thời kỳ mới. Kỷ niệm 75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên là dịp đánh giá sâu sắc những thành tựu kết quả nổi bật của Quốc hội trong suốt 14 nhiệm kỳ qua. Đây là cuộc vận động chính trị quan trọng và là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong nhân dân. Đất nước đã đi qua 35 năm đổi mới để dân tộc ta đủ thế và lực bước vào thời kỳ phát triển bền vững, đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Nhưng cuộc bầu cử Quốc hội lần này diễn ra vào lúc cuộc chiến cam go chống “giặc nội xâm”, “giặc trong lòng”, loại “giặc” quan liêu, tham ô, lãng phí, tham nhũng ở một bộ phận người có chức, có quyền đã biến chất đang làm băng hoại đạo đức xã hội, băng hoại truyền thống nhân văn của dân tộc vẫn đang là thách thức lớn nhất của công cuộc đổi mới đất nước, của sự nghiệp công nghiệp hóa nước nhà, là nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ ta, đang làm mất thanh danh uy tín của Đảng, Nhà nước, làm xói mòn lòng tin của dân chúng vào chế độ. Vì vậy, cuộc bầu cử Quốc hội kỳ này cần sự sáng suốt của quốc dân trong việc lựa chọn những người đủ đức, đủ tài, có sự “quyết tâm, trí tâm và đồng tâm” để “ra sức mưu hạnh phúc cho đồng bào... Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, xứng đáng với Tổ quốc”, để Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực tối cao thi hành quốc sự của ý Đảng đã quyết, lòng dân đã đồng, kiên quyết, kiên trì tiêu diệt giặc tham nhũng.

2. Trên thực tế, vẫn có một số đại biểu Quốc hội cả khóa không hề nêu một ý kiến gì, có đại biểu Quốc hội ngại va chạm, ứng xử “dĩ hòa, vi quý”, chỉ cốt giữ ghế cho mình. Người đại biểu của dân phải là người gần dân, giữ được mối quan hệ chặt chẽ với cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri. Những nhiệm kỳ qua đã có không ít đại biểu quên mất lời hứa với cử tri khi tham gia bầu cử, dẫn đến tình trạng sau bầu cử đại biểu Quốc hội và các cử tri đã bầu cho mình không còn liên hệ với nhau nữa.

Vì vậy, cầm lá phiếu để bầu người đại biểu cho mình vào Quốc hội lần này, cử tri ta hãy nhớ thật rõ điều Bác Hồ đã căn dặn: “Đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi cử tri. Phải bỏ phiếu để tự mình lựa chọn những người xứng đáng thay mặt cho mình trong Quốc hội” và “gánh vác việc nước”. “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Vì lợi nước, quên lợi nhà. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”. Và, thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị “kiên quyết không đưa vào Quốc hội những người cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa III. Ảnh: Tư liệu

3. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mong chúng ta “Mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”, bởi thế Người khuyên nhủ rằng: “Không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy”. Bác mong mỏi và tin vào lá phiếu của cử tri mỗi khi đi bầu Quốc hội, để “Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội”.

Lựa chọn những đại biểu như vậy là quyền lợi và nghĩa vụ của người cử tri. Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý. Nó là một dấu hiệu xác nhận rằng nhân dân thật sự làm chủ nước nhà. Nhân dân ta đã đấu tranh lâu dài và anh dũng, đã hy sinh biết bao xương máu trong cách mạng và trong kháng chiến mới giành được và giữ được quyền dùng lá phiếu ấy. Vì vậy, đối với lịch sử chung của Tổ quốc cũng như đối với lợi ích riêng của mỗi người, đồng bào cử tri phải làm tròn nhiệm vụ của mình.

Làm theo được điều Bác Hồ đã dạy trên đây thì tin rằng dân ta sẽ chọn được, chọn đúng những đại biểu Quốc hội khóa XV thực sự đại diện cho ý chí nguyện vọng của dân, có tâm huyết, có bản lĩnh, lúc nào cũng tận tình, hết lòng vì dân, lúc nào cũng bênh vực quyền lợi chính đáng của dân, phấn đấu cho lợi ích chung.

Cử tri mong muốn và kỳ vọng vào những đại biểu được bầu vào Quốc hội khóa XV, mở đầu nhiệm kỳ đúng vào năm mở đầu cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, với trọng trách đưa đất nước vượt qua mọi trở ngại thử thách, đưa nước ta thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, để đất nước Việt Nam trong năm bầu Quốc hội 2021 này và cả những năm tiếp theo bao giờ cũng là: “Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới/ Năm nay là năm rất vẻ vang” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chúc và mong chờ từ năm bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước nhà.

Tiến sĩ Trần Viết Hoàn