Nhớ mãi một thời khắc lịch sử
Chính trị - Ngày đăng : 05:36, 16/05/2021
Đã hơn 75 năm trôi qua kể từ ngày ấy, nhưng các thế hệ người dân làng Yên Thái vẫn kể cho con cháu nghe câu chuyện Bác Hồ về thăm làng trong đúng ngày bầu cử Quốc hội khóa I - Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Theo lời kể của các cụ cao tuổi, hòm phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I của làng Yên Thái hôm ấy đặt tại trụ sở có tên gọi là Cầu Kho. Tại đây, ban bầu cử đã trang hoàng đẹp đẽ, tại cổng ra vào có câu đối: “Diệt đế quốc xâm lăng, hai nhăm triệu đồng bào chung một dạ/ Dựng Dân chủ Cộng hòa, ngàn vạn năm đất Việt nức danh thơm”.
Suốt từ Cổng Giếng đầu làng Yên Thái đến các nhà trong xóm, cờ đỏ sao vàng đã treo cao. Ai nấy nô nức đi bầu cử. Cả cuộc đời sống trong lầm than, nay trở thành người công dân một nước độc lập, ai cũng vui.
Chưa hết buổi sáng ngày 6-1, cuộc bầu cử đã hoàn tất, nhưng ban bầu cử vẫn còn nán lại. Bất chợt có tiếng reo hò: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm! Bác Hồ về làng ta bà con ơi! Cụ Hồ muôn năm!”... Mọi người không ai bảo ai ùa ra khỏi nhà, vui mừng, ngỡ ngàng khi nghe tin Cụ Hồ về làng mình, thật là quý hóa quá! Bác Hồ thong thả bước vào cổng làng, đi trên đường làng. Một người cao tuổi trong làng là cụ Nỉu khoác tấm áo dài, chắp tay vái chào, vì mừng quá mà đánh rơi cả gậy. Chủ tịch Hồ Chí Minh né tránh hướng vái của cụ, cúi xuống nhặt giúp cây gậy rồi cùng cụ Nỉu sóng bước đi trên đường làng.
Người làng chạy ra đón Hồ Chủ tịch rất đông. Ai cũng cố chen lên gần Người, nhất là các cháu thiếu nhi. Đến trụ sở bầu cử, Chủ tịch Ủy ban lâm thời làng Yên Thái là ông Vũ Đình Liêm kính cẩn mời Bác Hồ vào thăm. Bác cười và nói: “Tôi là ứng cử viên tại Hà Nội. Không là cử tri ở đây, không được phép vào nơi bỏ phiếu”. Các ông Liêm, ông Kim bèn mời Bác đi thăm nơi sản xuất giấy...
Đã 75 năm trôi qua nhưng hai bức ảnh quý chụp lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đi trên đường làng và lúc Người cầm xem tờ giấy dó vẫn được dân làng trân trọng, gìn giữ. Rất nhiều người may mắn có mặt trong tấm ảnh đó giờ đã về cõi vĩnh hằng, nhưng con cháu họ vẫn khắc ghi lời ông cha kể lại: Năm 1946 khi về thăm làng, xem tờ giấy dó của dân làng làm ra, Bác Hồ đã dạy: “Làm được tờ giấy tốt là nhiều công sức lắm. Nhưng các cô, các chú phải cố gắng thật là nhiều, thật tốt hơn. Nước ta mới giành được độc lập, cần phải có nhiều giấy viết để mọi người ra sức học tập, thắng giặc dốt. Có giấy thì các cháu học sinh mới có sách vở học, làng ta làm giấy cũng là góp phần xây dựng nền độc lập vững mạnh”.
Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I của Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên của Việt Nam đã thành công. Bước sang mùa xuân 1946, người làng Yên Thái đã có một cái Tết Bính Tuất ý nghĩa, đủ đầy...
Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (ngày 19-12-1946), dân làng Yên Thái mang theo nghề làm giấy tản cư vào Ninh Bình, Thanh Hóa và lên Việt Bắc, xây dựng các xưởng mang tên “Độc lập”, “Kinh tế”, “Lửa Việt”... sản xuất giấy để in sách báo và cả giấy in tiền tài chính, góp phần đưa cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi cuối cùng. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, liên xã ngành giấy Bưởi đã sản xuất hàng nghìn tấn giấy, góp phần phục hồi kinh tế, phá thế bao vây cấm vận kinh tế của đế quốc Mỹ.
Ngày nay, ai đi qua khu vực Cổng Giếng của làng Yên Thái sẽ thấy ngay bức hoành phi trên có ghi: “Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm làng nghề Giấy Yên Thái - Bưởi nhân ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 06-01-1946”. Và bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cầm tờ giấy dó được treo trang trọng tại phương đình ở đình làng, để lưu giữ, nhắc nhở các thế hệ cư dân của làng về một thời khắc lịch sử đáng nhớ.
Số liệu các kỳ bầu cử Quốc hội (từ khóa I đến khóa XIV)
Khóa I (1946 - 1960)
- Bầu cử ngày 6-1-1946.
- Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu: 89%.
- Tổng số đại biểu Quốc hội: 403, gồm 333 đại biểu được dân bầu, 70 đại biểu không qua bầu cử, trong đó có 20 đại biểu thuộc Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội và 50 đại biểu thuộc Việt Nam Quốc dân đảng. Số đại biểu không qua bầu cử này thể hiện chủ trương hòa hợp dân tộc, tập trung lực lượng kháng chiến chống thực dân Pháp.
Khóa II (1960 - 1964)
- Bầu cử ngày 8-5-1960.
- Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu: 97,52%.
- Tổng số đại biểu Quốc hội: 453, gồm 362 đại biểu được dân bầu, 91 đại biểu miền Nam lưu nhiệm.
Khóa III (1964 - 1971)
- Bầu cử ngày 26-4-1964.
- Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu: 97,77%.
- Tổng số đại biểu Quốc hội: 455, gồm 366 đại biểu được dân bầu, 89 đại biểu lưu nhiệm.
Khóa IV (1971 - 1975)
- Bầu cử ngày: 11-4-1971.
- Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu: 98,88%.
- Tổng số đại biểu Quốc hội: 420.
Khóa V (1975 - 1976)
- Bầu cử ngày 6-4-1975.
- Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu: 98,26%.
- Tổng số đại biểu Quốc hội: 424.
Khóa VI (1976 - 1981)
- Bầu cử ngày 25-4-1976.
- Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu: 98,77%.
- Tổng số đại biểu Quốc hội: 492.
Khóa VII (1981 - 1987)
- Bầu cử ngày 26-4-1981.
- Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu: 97,96%.
- Tổng số đại biểu Quốc hội: 496.
Khóa VIII (1987 - 1992)
- Bầu cử ngày 19-4-1987.
- Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu: 98,75%.
- Tổng số đại biểu Quốc hội: 496.
Khóa IX (1992 - 1997)
- Bầu cử ngày 19-7-1992.
- Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu: 99,12%.
- Tổng số đại biểu Quốc hội: 395.
Khóa X (1997 - 2002)
- Bầu cử ngày 20-7-1997.
- Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu: 99,59%.
- Tổng số đại biểu Quốc hội: 450.
Khóa XI (2002 - 2007)
- Bầu cử ngày 19-5-2002.
- Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu: 99,73%.
- Tổng số đại biểu Quốc hội: 498.
Khóa XII (2007 - 2011)
- Bầu cử ngày 20-5-2007.
- Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu: 99,64%.
- Tổng số đại biểu Quốc hội: 493.
Khóa XIII (2011 - 2016)
- Bầu cử ngày 22-5-2011.
- Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu: 99,51%.
- Tổng số đại biểu Quốc hội: 500.
Khóa XIV (2016 - 2021)
- Bầu cử ngày 22-5-2016.
- Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu: 99,35%.
- Tổng số đại biểu Quốc hội: 496.
(Theo Quochoi.vn)