Những trang viết sống động về các vùng đất qua ngòi bút kiến trúc sư
Kiến trúc - Ngày đăng : 16:11, 17/05/2021
Cuốn sách dày 564 trang, là câu chuyện kể về cuộc đời của kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê, từ một cậu bé ở tỉnh lẻ, sống qua bom đạn chiến tranh, sau đó đi du học, khám phá kiến thức và điều mới mẻ từ những nền văn hóa khác, rồi trở về, có cống hiến, nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng trong lĩnh vực cấu trúc đô thị.
Tác giả Hoàng Hữu Phê sinh năm 1954, từng theo học Khoa Kiến trúc - Trường Đại học Xây dựng Kiev (Ukraine), Khoa Quy hoạch dân cư Học viện Công nghệ châu Á (Thái Lan), Khoa Quy hoạch phát triển - Trường Đại học Tổng hợp London (Anh). Ông đã công bố quốc tế nhiều nghiên cứu trong các lĩnh vực kiến trúc, vị trí dân cư, cấu trúc đô thị, bất động sản, tôn tạo đô thị và chính sách nhà ở. Ông được tặng giải thưởng uy tín The Donald Robertson Memorial Prize 2000 của tạp chí hàng đầu trên thế giới về nghiên cứu đô thị - Urban Studies, cùng với Giáo sư Patrick Wakely.
Tại Việt Nam, ông tham gia quy hoạch và thiết kế nhiều công trình, trong số đó có Rạp Xiếc trung ương tại Hà Nội, nhà học Đại học Cần Thơ, các khu đô thị của Hà Nội như Trung Hòa - Nhân Chính, Bắc An Khánh (Splendora), cùng nhiều công trình khác, đặc biệt là nhà cao tầng, tại các thành phố trên cả nước.
Bên cạnh lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch, kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê còn tham gia dịch nhiều tác phẩm văn học như: "Thao thức" (Aleksandr Kron), "Homo Faber" (Max Frisch), "Hạnh phúc ngắn ngủi của Francis Macomber" (Ernest Hemingway), "Bông hồng cho Emily" (William Faulkner)...
Với cuốn "Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề", Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội Khuất Thu Hồng nhận định, đây không chỉ là hồi ký cuộc đời, đó còn là những trang sử vô cùng sống động về đất nước nửa thế kỷ qua. Qua cuốn sách, người đọc hình dung cơ bản về kiến trúc đương đại Việt Nam và mối liên hệ giữa kiến trúc, xây dựng với vị thế xã hội.