Sáng rõ và kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
Chính trị - Ngày đăng : 06:43, 18/05/2021
Đảng viên Trịnh Đình Phùng (40 năm tuổi Đảng), Chi bộ thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh:
Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam
Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại kết luận sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”.
Cũng theo Tổng Bí thư, ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định: Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam.
Tôi rất ấn tượng, bởi chỉ trong một bài viết, nhưng người đứng đầu Đảng ta đã phân tích rất sắc sảo, trí tuệ 4 vấn đề: Làm rõ thêm về chủ nghĩa xã hội, lý giải sâu sắc vì sao Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta thời gian qua có ý nghĩa như thế nào, từ đó đặt ra vấn đề gì.
Bà Nguyễn Thị Lược, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy:
Phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tích cực vào cuộc phòng, chống dịch bệnh, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí... Những thành tựu của Việt Nam đã được nhân dân ta và các nước trên thế giới ghi nhận, đánh giá cao, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Đúng như Tổng Bí thư đã viết, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Thành quả đó đã chứng minh rằng, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.
Đảng viên Lê Đức Hoàn (71 năm tuổi Đảng), Chi bộ phố Ga, thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín:
Thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp lâu dài
Qua nghiên cứu bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi hoàn toàn đồng tình, chia sẻ quan điểm, thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn, phức tạp của Đảng và nhân dân ta. Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, lực lượng sản xuất rất thấp, lại trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả rất nặng nề. Do vậy, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen nhau, có sự đấu tranh giữa các cũ và cái mới. Xây dựng xã hội chủ nghĩa là một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội.
Tôi cũng rất tâm đắc một ý khác trong bài viết. Đó là: Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa… chứ không phải bỏ qua những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản…
Đảng viên Phan Thị Liên (41 năm tuổi Đảng), Chi bộ 4, phường Quang Trung, quận Đống Đa:
Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Bài viết của Tổng Bí thư khẳng định, đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Để đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, lựa chọn để từng bước hoàn thiện đường lối, quan điểm và tổ chức thực hiện theo đúng quy luật và phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, trong đó có vấn đề phát triển kinh tế.
Từ phân tích sắc sảo về lý luận và thực tiễn, Tổng Bí thư chỉ ra: Phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa…
Bà Nguyễn Thị Thu, tổ dân phố 16, phường Thượng Thanh, quận Long Biên:
Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Chỉ trong một bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích rõ những thuận lợi, khó khăn và những vấn đề thực tiễn cần giải quyết trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tôi tin tưởng, khi đã nhìn rõ định hướng phát triển và đề ra được những giải pháp cụ thể giải quyết những khó khăn trước mắt và lâu dài, chắc chắn Đảng sẽ lãnh đạo, đưa đất nước đi đến thành công.
Bên cạnh nội dung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, bài viết của Tổng Bí thư cũng đề cập đến vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tôi cho rằng, trong vai trò một công dân như mình, một trong những đóng góp vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa bằng việc làm nhỏ, nhưng thiết thực là sáng suốt bầu ra những đại biểu đủ đức, đủ tài, đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra ngày 23-5 tới đây.