Nhà chính trị, quân sự song toàn
Chính trị - Ngày đăng : 06:47, 18/05/2021
Người cộng sản mẫu mực
Đồng chí Phùng Chí Kiên tên thật là Nguyễn Vĩ, sinh ngày 18-5-1901 trong một gia đình nông dân tại làng Mỹ Quan Thượng, nay thuộc xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Trưởng thành trong quá trình tham gia sinh hoạt, lao động cùng tầng lớp thợ thuyền ở Diễn Châu, đồng chí sớm giác ngộ, tiếp cận nhiều tư tưởng yêu nước tiến bộ. Năm 1926, đồng chí tham gia hoạt động cách mạng, được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) tham dự lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy và trở thành một hội viên ưu tú, tích cực của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Sau khóa học, đồng chí được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn, giới thiệu vào học tại Trường Quân sự Hoàng Phố để chuẩn bị nguồn cán bộ quân sự cho cách mạng Việt Nam sau này.
Với nhiều thành tích trong học tập và chiến đấu, tháng 12-1929, đồng chí Phùng Chí Kiên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 12-1930, đồng chí trở lại Hồng Kông (Trung Quốc) hoạt động và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 1-1931, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gửi đồng chí sang học Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản… Tháng 3 - 1935, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng họp ở Ma Cao (Trung Quốc), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1940, khi Nguyễn Ái Quốc đến Côn Minh (Trung Quốc), đồng chí đã được làm việc gần và nhiều lần đưa Người đi thăm và khảo sát những cơ sở cách mạng dọc tuyến đường sắt Côn Minh - Hà Khẩu. Đến ngày 28-1-1941, đồng chí theo lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Pác Bó, tỉnh Cao Bằng, rồi hoạt động bên Người. Những năm tháng này, đồng chí Phùng Chí Kiên đã có nhiều hoạt động góp phần quan trọng vào xây dựng, bảo vệ khu căn cứ.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII (tháng 5-1941), đồng chí Phùng Chí Kiên được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được phân công phụ trách công tác quân sự của Đảng, trực tiếp chỉ đạo khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai và Đội Cứu quốc quân. Tháng 9-1940, khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra, gây tiếng vang lớn trong cả nước, khiến thực dân Pháp phải ra sức tìm cách đối phó. Cuối tháng 6-1941, chúng mở cuộc càn quét lớn vào khu căn cứ cách mạng của ta nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của Việt Minh và lực lượng vũ trang cách mạng mới hình thành. Đồng chí Phùng Chí Kiên bị địch bắt ngày 21-8-1941 và hôm sau, địch chặt đầu đồng chí rồi đem cắm ở đầu cầu Ngân Sơn hòng uy hiếp tinh thần cán bộ và nhân dân ta.
Để ghi nhận công lao trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, ngày 23-9-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 89/SL truy phong cấp tướng cho đồng chí Phùng Chí Kiên. Tháng 11-2003, Đảng, Chính phủ ra quyết định công nhận đồng chí Phùng Chí Kiên là nguyên Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (khóa I), cán bộ lãnh đạo quân đội cấp tướng, liệt sĩ hy sinh anh dũng trong chiến đấu.
Nhà quân sự tài ba, lỗi lạc
Lòng yêu nước, chí căm thù giặc ngoại xâm, khát khao giải phóng dân tộc của đồng chí Phùng Chí Kiên đã gây được những ấn tượng mạnh mẽ đối với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tố chất thông minh, nhạy cảm trong học tập, tiếp thu khoa học quân sự của đồng chí đã được Trường Quân sự Hoàng Phố, nơi đồng chí Phùng Chí Kiên theo học khóa V đánh giá rất cao. Trong thời gian học tập tại đây, đồng chí đã có nhiều đóng góp cho Đảng Cộng sản và Hồng quân Trung Quốc. Đồng chí tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong tổ chức xây dựng đơn vị quân đội, chiến thuật tác chiến, chỉ huy các trận đánh.
Còn trong thời gian học tập ở Trường Đại học Phương Đông, đồng chí Phùng Chí Kiên được đào tạo một khóa đặc biệt về mật mã quân sự và sử dụng vô tuyến điện. Sau khi tốt nghiệp, đồng chí về Thượng Hải (Trung Quốc) hoạt động trong Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng ta và được bố trí vào công tác chuyên môn này.
Tài năng quân sự của đồng chí Phùng Chí Kiên được bộc lộ rõ nhất trong thời kỳ hoạt động ở Pác Bó, Cao Bằng. Trên cương vị là Tổng Chỉ huy khu căn cứ Bắc Sơn, đồng chí Phùng Chí Kiên là người có đóng góp trực tiếp vào việc xây dựng "Điều lệ của Việt Nam tiểu tổ du kích cứu quốc". Một trong những bài học lớn nhất và có giá trị nhất được đồng chí vận dụng một cách sáng tạo vào công việc lúc bấy giờ trên cương vị Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân là dựa vào dân, bám trụ vào dân, có dân là có tất cả.
Từ kinh nghiệm thực tiễn của mình, đồng chí còn truyền đạt những kiến thức cơ bản về quân sự, nhất là chiến thuật du kích cho các cán bộ về dự Hội nghị quán triệt Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII, để khi trở về địa phương phổ biến cho tự vệ và quần chúng cách mạng. Với 16 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Phùng Chí Kiên đã để lại những dấu ấn quan trọng trong quá trình phát triển cách mạng của Đảng ta, quân đội ta, không chỉ về mặt tổ chức mà cả về mặt đường lối.
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phùng Chí Kiên là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam. Qua đó, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ học tập, noi theo, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.