Công tác chuẩn bị cơ bản hoàn thành, sẵn sàng để tổ chức tốt cuộc bầu cử
Chính trị - Ngày đăng : 09:37, 18/05/2021
Dự hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội) có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn; Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Thượng tướng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang.
Tham dự hội nghị còn có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện các cơ quan, bộ, ngành trung ương.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố.
Dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và đại diện các sở, ban, ngành thành phố.
Công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử cơ bản hoàn thành
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, từ nay tới ngày bầu cử chỉ còn 5 ngày, Hội đồng Bầu cử quốc gia quyết định tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm tổng rà soát toàn bộ công tác chuẩn bị, kịp thời lắng nghe và giải quyết các vướng mắc, khó khăn, kiến nghị, đề xuất của các địa phương, tổ chức, cơ quan hữu quan nhằm thống nhất nhận thức, quyết tâm cao trong hành động để chuẩn bị chu đáo nhất cho cuộc bầu cử - sự kiện chính trị trọng đại của đất nước diễn ra đúng theo kế hoạch, thực sự là ngày hội của toàn dân, thành công tốt đẹp.
“Quán triệt Chỉ thị số 45-CT/TƯ ngày 20-6-2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, các cấp ủy Đảng cơ quan, các đoàn thể địa phương trong cả nước đã rất nghiêm túc, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo hướng dẫn chuẩn bị cuộc bầu cử”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tổ chức nhiều đoàn với nhiều đợt kiểm tra, giám sát công tác bầu cử, công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương trong phạm vi cả nước. Các Tiểu ban, Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia đã kịp thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và các phương án, kịch bản tổ chức bầu cử thích ứng điều kiện phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, mưa lũ, nhất là với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ Công an đã tổ chức Lễ ra quân phát động đối với toàn bộ lực lượng, kết nối với 63 điểm cầu của các địa phương làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự an ninh, an toàn cho bầu cử. Đồng thời, một số địa bàn, đơn vị đã tổ chức bầu cử sớm và kết quả thành công. Một số địa phương đã tổ chức diễn tập bầu cử trong điều kiện có những khó khăn lớn về phòng, chống dịch Covid-19 như: Hà Nội, Đà Nẵng...
“Có thể nói đến nay, mọi công việc chuẩn bị cho bầu cử cơ bản đã hoàn thành, sẵn sàng để tổ chức bầu cử vào ngày 23-5 sắp tới”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Phát huy tốt dân chủ ngay từ cơ sở
Báo cáo về công tác chuẩn bị bầu cử, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường cho biết, tổng số cử tri cả nước là 69.198.594 với 84.767 khu vực bỏ phiếu.
Công tác chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp được tiến hành theo đúng quy trình, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và tiến độ theo quy định. Trong đó, số người được lập danh sách chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tính đến thời điểm này là 866 người để bầu 500 đại biểu, đạt tỷ lệ 1,73 người ứng cử để bầu 1 đại biểu.
Về tình hình triển khai công tác bầu cử của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực, thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ về bầu cử, các công việc được triển khai đúng luật, đúng tiến độ. Việc hướng dẫn các địa phương đã được thực hiện kịp thời, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
“Việc tổ chức các Hội nghị hiệp thương đều diễn ra với tinh thần dân chủ, đúng luật và thể hiện sự thống nhất cao của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Việc giới thiệu nhân sự tham gia ứng cử ở Trung ương và địa phương đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đủ tiêu chuẩn. Công tác tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi công tác và nơi cư trú được triển khai đồng bộ, bảo đảm số lượng cử tri tham dự, việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri với người ứng cử để thực hiện vận động bầu cử được tiến hành khẩn trương, công khai, dân chủ và có sự điều tiết hài hòa phù hợp với từng địa phương, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19”, đồng chí Ngô Sách Thực nói.
Trình bày báo cáo công tác chuẩn bị của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn quan tâm, quyết liệt, kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố triển khai và phối hợp trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo hướng dẫn về bầu cử; thực hiện chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử quốc gia; thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; tổ chức các hội nghị hiệp thương; tuyên truyền; chuẩn bị cơ sở vật chất cho bầu cử; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.
Các bộ, ngành, địa phương đã hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các tổ chức phụ trách bầu cử; phát huy tốt dân chủ ngay từ cơ sở và dân chủ trong từng bước triển khai thực hiện, tạo không khí cuộc bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân, là đợt sinh hoạt chính trị dân chủ sâu rộng trong nhân dân.
“UBND cấp xã đã tổ chức lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu và niêm yết danh sách cử tri bảo đảm đúng thời hạn. Trong đó, đã chú ý rà soát những cử tri có đăng ký thường trú, tạm trú, cử tri đi lao động xa, những trường hợp không được tham gia bỏ phiếu..., nhằm bảo đảm quyền bầu cử của công dân”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.
Hội nghị cũng được nghe Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo báo cáo công tác thông tin tuyên truyền phục vụ bầu cử. Trong đó, các cơ quan báo chí ở trung ương và địa phương đã tập trung phản ánh không khí chuẩn bị cho cuộc bầu cử với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nhằm thông tin, hướng dẫn, giải đáp về pháp luật bầu cử để giúp cử tri hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ trong cuộc bầu cử. Đồng thời, kịp thời đấu tranh, phản bác những luận điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch...
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, qua kiểm tra cho thấy, các địa phương đã có sự chuẩn bị chủ động, chu đáo, trách nhiệm với công tác y tế phục vụ bầu cử. “Tuy nhiên, một số khu vực bỏ phiếu còn chưa có khu vực riêng cho những cử tri bị phát hiện nghi nhiễm Covid-19, chưa bảo đảm giãn cách 2m… Bộ Y tế đề nghị các địa phương sớm khắc phục những tồn tại nêu trên để hoạt động bầu cử được diễn ra thông suốt, an toàn”, đồng chí Trần Văn Thuấn nói.
Chuẩn bị bầu cử gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Cà Mau… đã báo cáo công tác chuẩn bị bầu cử gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19. Lãnh đạo các địa phương đều khẳng định, dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, gây khó khăn, ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị bầu cử, song các địa phương đều bày tỏ quyết tâm vượt qua, lãnh đạo, chỉ đạo và hoàn thành tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Trong đó, các địa phương đều đã xây dựng kịch bản, tình huống bầu cử trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, phong tỏa tại nhiều cơ sở; yêu cầu khai báo y tế, kiểm soát người đi bầu cử; phân chia thời gian cử tri đi bỏ phiếu theo địa bàn; bố trí nhân sự dự phòng đối với các tổ bầu cử, nếu vì lý do dịch bệnh.
Theo Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đến thời điểm hiện tại, công tác bảo đảm an ninh, trật tự được thực hiện tốt, không xảy ra vấn đề phức tạp từ các điểm bỏ phiếu đến các địa phương. “So với những kỳ bầu cử trước thì những vấn đề về an ninh trật tự ít hơn rất nhiều. Mỗi điểm bầu cử đều có một cán bộ công an làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự”, Đại tướng Tô Lâm nói.
Đại tướng Tô Lâm lưu ý, biến động di cư trong dân rất lớn, gây ra những biến động về danh sách cử tri được niêm yết. Nếu không nắm bắt được tình trạng này thì sẽ để xảy ra việc cử tri vãng lai không được tham gia bầu cử và những người được niêm yết danh sách cử tri không có mặt tại điểm bỏ phiếu. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị các địa phương nắm chắc một số điểm còn phức tạp về an ninh, trật tự để có phương án bảo đảm an toàn, vận động nhân dân đi bầu cử.
Thượng tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, hiện đã có 100 đơn vị thuộc Bộ đã tổ chức bầu cử sớm tại các tỉnh như: Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa. Từ đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, cần tính toán đến phương án thời tiết, dịch bệnh xảy ra để ủy quyền cho địa phương chủ động các phương án tổ chức bầu cử.
Bên cạnh đó, Thượng tướng Phan Văn Giang đề nghị phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để vận động cử tri đi bầu cử; tính toán việc phân bố dân cư tại các tỉnh biên giới, miền núi để phân bổ ngân sách bầu cử.
“Các đơn vị bầu cử cũng cần lưu ý tăng cường lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu vực có nguy cơ tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự”, Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh.
Chủ động xây dựng các phương án bầu cử phù hợp với từng địa phương
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. “Đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt cũng nhấn mạnh, trong quý II-2021, cả nước có 3 nhiệm vụ song song là ưu tiên công sức, thời gian, nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19; tập trung cao độ cho tổ chức bầu cử và tiếp tục phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, đồng chí Vương Đình Huệ khẳng định.
Đánh giá chung, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đến nay mọi công việc chuẩn bị cơ bản đã hoàn tất, sẵn sàng cho ngày bầu cử 23-5; các địa phương còn gặp khó khăn do dịch bệnh như Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh đều quyết tâm tổ chức bầu cử đúng thời gian và thành công. Công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, khoa học, chủ động, sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao; các địa phương cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bầu cử.
“Có thể nhận định rằng cuộc bầu cử này sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch và thành công tốt đẹp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chỉ còn 5 ngày nữa là đến ngày bầu cử, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro về an ninh trật tự nên Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các đơn vị, địa phương không được lơ là, chủ quan. Trong đó, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Bầu cử quốc gia; chủ động xây dựng các phương án bầu cử phù hợp với từng địa phương; tiếp tục tập huấn bổ sung, dự phòng nhân lực; rà soát, hoàn thiện cơ sở vật chất, tập dượt kỹ càng các phương án tổ chức bầu cử trong bối cảnh dịch bệnh và phương án cho các tình huống xảy ra thiên tai, bão lũ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho cuộc bầu cử diễn ra thành công và an toàn.
Đồng chí Vương Đình Huệ cũng yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội; các lực lượng công an, quân đội, y tế cần phối hợp chặt chẽ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho ngày bầu cử; bảo đảm an toàn cho từng hòm phiếu, khu vực bỏ phiếu, cho cán bộ, nhân viên tổ bầu cử và cử tri.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, kịp thời giải quyết những khó khăn do dịch bệnh, thiên tai gây ra; giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, không để xảy ra các vụ việc khiếu kiện đông người ảnh hưởng tình hình an ninh, trật tự để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.