''Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi...''
Sách - Ngày đăng : 15:33, 20/05/2021
Trong văn học nghệ thuật, hình tượng Bác Hồ với tư tưởng và đạo đức ngời sáng luôn là đề tài hấp dẫn. Nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn/ Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi/ Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn” ("Bác ơi"). Cho đến nay, dòng văn học viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh với di sản đồ sộ và luôn không ngừng được bồi đắp. Sau những sáng tác của “các tên tuổi” như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Minh Huệ, Thanh Tịnh, Xuân Diệu, Huy Cận, Thanh Hải, Trần Đăng Khoa... là tác phẩm của Sơn Tùng, Hồ Phương, Hoàng Quảng Uyên, Nguyễn Thế Quang, Ngọc Bái..., tất cả tiếp nối truyền thống tôn vinh giá trị tư tưởng, đạo đức và nhân cách Hồ Chí Minh.
Nhà thơ Cao Xuân Thái từng sáng tác nhiều bài thơ hay về Bác Hồ, trong đó có bài “Ngọn lửa Bác nhen”: "Giữa lán nhỏ Nà Nưa, trong hang sâu Pác Bó/ Rừng chiến khu buổi đầu gian khó/ Cháo bẹ, rau măng... tóc Bác sớm bạc rồi". Lời thơ giản dị mà chất chứa tình cảm khi tác giả hình dung ra những khó khăn mà Người phải nếm trải. Từ ngọn lửa nhỏ Bác nhen trong hang đá lạnh khi ấy, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến đã bùng lên thành ngọn lửa vĩ đại của chủ nghĩa anh hùng cách mạng: "Ngọn lửa bập bùng cháy mãi không thôi/ In hình Bác những đêm dài thao thức/.../ Ngọn lửa Bác thành lá cờ chói đỏ/ Cắm giữa Điện Biên chấn động địa cầu".
Cũng với cảm xúc chân thành và giản dị ấy là những vần thơ của tác giả Ngọc Bái trong trường ca “Vầng trăng và cánh rừng”: "Già Thu/ trầm ngâm/ bàn đá/ viết những lời hiệu triệu/ bằng thơ/ bằng nỗi đau/ bằng nỗi cực nhọc của người dân/ bằng lịch sử cha ông thấm vào đất". Nghĩ về Bác, viết về Bác bằng trái tim và lòng tôn kính vô hạn, Ngọc Bái đã có những cảm nhận chân thành về một hình tượng lãnh tụ thật gần gũi: "Anh đã nghe người dân kể Cụ Hồ vui đùa cùng trẻ nhỏ/ cuốc đất bắt sâu/ hát kết đoàn đêm trăng cùng dân bản/ vui reo ca dân cày có ruộng/ vui reo ca ai cũng được học hành/ rét cùng hơ tay trên bếp lửa/ chăm từng bữa ăn, giấc ngủ chiến sĩ/ Và anh nghĩ/ lãnh tụ là vậy/ làm gì dân không tin/ làm gì kháng chiến chẳng thắng lợi".
Những vần thơ trên cũng một phần cho thấy, trong văn học nghệ thuật sau 1975, cảm hứng nghệ thuật, thi pháp, đề tài, chủ đề đã hướng vào khía cạnh đời tư, thường nhật. Đây cũng là tất yếu sau một quãng dài chúng ta đã dành nhiều sự quan tâm cho những vấn đề lớn lao, đại chúng. Hình tượng Bác Hồ trong văn học đương đại cũng được soi chiếu ở góc nhìn đời tư, bình dị mà gần gũi hơn. Điều này không chỉ ở trong thơ.
Với “Búp sen xanh”, “Bông sen vàng”, “Hoa râm bụt”..., nhà văn Sơn Tùng đã khắc họa những khía cạnh vĩ đại, cao cả của Bác, đồng thời mang đến cho độc giả hình ảnh một cậu bé Nguyễn Sinh Cung khi còn sống ở làng Sen cũng từng như bao đứa trẻ khác, cũng nĩu nịu mẹ cha, cũng ham chơi... Những chi tiết đời thường càng khiến người đọc nhận ra sự phi thường khi chàng trai Nguyễn Tất Thành đã kìm nén tình cảm cá nhân để hướng tới những dự định xa hơn, lớn lao hơn, những mong dân tộc mình, quê hương mình thoát khỏi cảnh bần cùng, nô lệ.
Viết về Bác, các nhà văn đều dày công sưu tầm tài liệu để dựng nên khung cảnh quê hương tuổi thơ của Bác, chân dung những người thân, từ đó thấy rõ những yếu tố nào đã góp phần hình thành nhân cách cao đẹp cho cậu bé Nguyễn Sinh Cung thời thơ ấu, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này. Đó là các tác phẩm như “Cha và con” của Hồ Phương, “Khúc hát những dòng sông” của Nguyễn Thế Quang...
Khi các nhà văn đưa vào trang viết của mình khía cạnh đời thường dường như đã tạo cho độc giả thêm nhận thức mới về Bác - một con người bình dị mà vĩ đại, đời thường mà phi thường. Không phải ở ngôi cao nào cả, Bác là con người sống giữa nhân dân, yêu thương và lo lắng cho dân, cho nước. Từ thuở còn thơ đến khi trưởng thành, Bác nếm trải đủ đầy phận người cần lao, mất tự do, bị đọa đầy khổ ải. Vì thế, hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác là hành trình đi tìm chân lý và sự thật để nhận ra: “Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!” (“Người đi tìm hình của nước” - Chế Lan Viên).
Dưới ngòi bút của các nhà văn, nhà thơ, người đọc sẽ nhận ra, ở Hồ Chí Minh, một cuộc đời cao cả, hội tụ chân lý, đạo đức của dân tộc và của nhân loại - nhân loại tiến bộ, luôn hướng về đạo đức và chân lý.