Thiếu hụt vắc xin phòng Covid-19: Nguy cơ khủng hoảng y tế tại châu phi
Thế giới - Ngày đăng : 06:49, 22/05/2021
Theo Liên hợp quốc, tới nay châu Phi mới chỉ nhận được 2% trong tổng số liều vắc xin phòng Covid-19 hiện có trên toàn cầu. Liên hợp quốc nhấn mạnh, cần phải cung cấp cho tất cả mọi người, kể cả những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Hội đồng Bảo an kêu gọi các nước phát triển và những nước khác có khả năng cung cấp những liều vắc xin quý giá cho người dân châu Phi.
Trên thực tế, hầu hết các nước tại châu Phi dựa vào nguồn vắc xin của Liên minh vắc xin toàn cầu COVAX, chương trình do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xây dựng nhằm bảo đảm các nước nghèo được tiếp cận công bằng với vắc xin phòng Covid-19, nhà cung cấp vắc xin chính là Viện Huyết thanh của Ấn Độ (SII). Mục tiêu của lục địa này là tiêm chủng cho 30-35% dân số vào cuối năm 2021 và 60% dân số trong 2-3 năm tới. Tuy nhiên, việc Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu vắc xin phòng Covid-19 trong bối cảnh diễn biến dịch phức tạp tại nước này đã dẫn đến nguồn cung dần cạn kiệt, theo đó các nước châu Phi lâm vào tình trạng thiếu vắc xin nghiêm trọng. Tiến độ tiêm vắc xin cũng bị chậm, đợt chuyển giao vắc xin đầu tiên cho 41 quốc gia châu Phi theo chương trình COVAX bắt đầu từ tháng 3, nhưng cho tới nay 9 quốc gia ở lục địa này mới triển khai tiêm được 25% số liều nhận được, trong khi 15 quốc gia triển khai tiêm chưa tới 50% số liều được phân bổ... Trên toàn cầu, cứ 100 người thì có 18 người được tiêm vắc xin nhưng tại châu Phi cứ 100 người mới có 1,6 người được tiêm vắc xin, thấp hơn 30 lần so với ở Bắc Mỹ. Ở Nigeria, Ethiopia, Ai Cập và Cộng hòa Dân chủ Congo - những quốc gia đông dân nhất lục địa, hiện chỉ có 4,3 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 được phân phối.
Mặc dù số trường hợp mắc Covid-19 tại châu Phi hiện đang thấp, song các chuyên gia cảnh báo, nguy cơ bùng phát làn sóng dịch mới ở lục địa này do chậm cung cấp vắc xin và sự xuất hiện của các biến chủng mới là rất cao. Các nước châu Phi đang gặp nhiều khó khăn, vừa ứng phó dịch Covid-19 vừa thiếu hụt nguồn tài chính cho các kế hoạch phục hồi kinh tế, lại đối mặt thâm hụt ngân sách khổng lồ, với dự báo lên gần 300 tỷ USD vào cuối năm 2023. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, tốc độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 chậm chạp tại châu Phi sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường về kinh tế.
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung vắc xin, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của châu Phi Ahmed Ogwell cho biết, CDC châu Phi và Chính phủ Ấn Độ đang thảo luận để có được số vắc xin như cam kết trước đây. Còn tại Hội nghị Thượng đỉnh hỗ trợ châu Phi phục hồi sau đại dịch Covid-19 tại Pháp vào ngày 18-5 vừa qua, lãnh đạo các nước phát triển đã cam kết giúp đỡ các nước ở châu lục nghèo khó này vượt qua dịch bệnh thông qua "Thỏa thuận mới do châu Phi và vì châu Phi".
Ngay từ khi đại dịch Covid-19 lây lan khắp thế giới trong năm 2020, lãnh đạo Liên minh vắc xin toàn cầu cho rằng cần phải bảo đảm cung cấp vắc xin cho những nước nghèo nhất thế giới. Các chuyên gia y tế từng cảnh báo, thế giới sẽ không thể an toàn nếu vẫn còn những quốc gia không được an toàn trước đại dịch Covid-19. Do vậy, để hạn chế nguy cơ, việc cung cấp vắc xin phòng dịch Covid-19 và triển khai tiêm ở châu Phi cần được cộng đồng quốc tế hỗ trợ.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.