Tận dụng thời cơ từ các FTA: Nỗ lực để gia tăng xuất khẩu
Kinh tế - Ngày đăng : 06:05, 22/05/2021
Cú hích mang tên FTA
Các FTA là cơ hội, cú hích rất lớn đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Đơn cử, với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hàng hóa Việt Nam có điều kiện thâm nhập thị trường 10 quốc gia thành viên, trong đó nhiều đối tác có sức mua rất cao như Nhật Bản, Canada... Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP sẽ đạt khoảng 80 tỷ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Tương tự, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt Nam hiện diện tại thị trường có 500 triệu người tiêu dùng. Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đánh giá, EVFTA là hiệp định toàn diện, chất lượng cao, do cơ cấu hàng hóa của Việt Nam và EU có xu hướng bổ trợ cho nhau.
Còn với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) vừa có hiệu lực từ ngày 1-5-2021, Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Anh Nguyễn Cảnh Cường cho biết, hàng hóa Việt Nam sẽ gia tăng cơ hội và được hưởng lợi ích lớn, trực tiếp ở thị trường Anh. Thông qua hoạt động giao thương, nhà đầu tư Anh có thể thực hiện các dự án tại Việt Nam để sản xuất hàng xuất khẩu.
Đánh giá về tác động từ các FTA, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, chính những yêu cầu nghiêm ngặt, chất lượng cao của các thị trường FTA tạo ra áp lực mang tính tích cực cho Việt Nam; nhất là về yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng thể chế, đầu tư cho công nghệ sản xuất, năng lực quản lý của doanh nghiệp. Qua đó, Việt Nam sẽ hội nhập một cách chủ động, hiệu quả hơn; tạo ra sự tăng trưởng và những thay đổi trong chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế để hướng tới trình độ phát triển cao hơn...
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải thông tin, các FTA đã giúp Việt Nam đạt kết quả xuất khẩu tốt. Trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 12,6 tỷ USD, sang Nhật Bản (thành viên CPTPP) đạt 6,5 tỷ USD, tăng lần lượt 18,1% và 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Một số đối tác khác cũng có tăng trưởng xuất khẩu cao sau khi FTA có hiệu lực, như Ấn Độ tăng 35,7%/năm, Hàn Quốc 29,2%/năm…
Về phía các ngành hàng, theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các thị trường Việt Nam có FTA hiện chiếm 55% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Vào cuộc đồng bộ, nâng khả năng thích nghi
Mặc dù được ví là những “đại lộ” cho hàng xuất khẩu Việt Nam nhưng thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp vẫn lúng túng hoặc chưa sẵn sàng thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường có FTA.
Theo Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang, nếu FTA là những “con đường” thì doanh nghiệp như “cỗ xe” phải đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu lưu hành một cách tương xứng. Tuy nhiên, hiện khoảng một nửa số doanh nghiệp vẫn cho rằng mình còn yếu kém so với đối thủ; 1/3 doanh nghiệp cho rằng chưa đủ khả năng điều chỉnh trong sản xuất - kinh doanh; không ít doanh nghiệp mới chỉ để ý đến FTA nhưng chưa hiểu rõ. Điều đó khiến lợi ích thu được từ các FTA còn thấp hơn so với kỳ vọng.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Cao Hữu Hiếu cho biết, ngoài yêu cầu đổi mới công nghệ thì việc phải đáp ứng quy định về xuất xứ hàng hóa đang là vấn đề cần quan tâm. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ, hình thành các cơ sở sản xuất nguyên, phụ liệu để tự chủ nguồn cung cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, logistics đang là “điểm nghẽn” khiến chi phí tăng cao, ảnh hưởng đến việc tận dụng cơ hội kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) nhận định, việc ký kết tham gia các FTA chỉ là bước đầu, còn tận dụng cơ hội đến mức độ nào chủ yếu vẫn do nỗ lực, khả năng thích nghi của doanh nghiệp.
Ở góc độ quản lý nhà nước, để giúp doanh nghiệp tận dụng tốt các FTA, gia tăng xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: Tăng cường xúc tiến thương mại tổ chức hội thảo, chương trình tập huấn cho các doanh nghiệp, nhằm cung cấp thông tin thị trường (yêu cầu về chất lượng hàng hóa, lao động...); tăng tốc cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, tiếp cận nhanh với các thị trường xuất khẩu lớn; phối hợp với Ngân hàng Thế giới thiết lập Cổng thông tin điện tử về các FTA, qua đó doanh nghiệp có thể chủ động tìm hiểu quy tắc xuất xứ, dịch vụ, cơ hội đầu tư…
Đặc biệt, Bộ Công Thương đang gấp rút hoàn thành chiến lược mới về xuất nhập khẩu để trình Chính phủ ban hành; đồng thời đàm phán, hoàn thiện các thể chế liên quan đến các FTA, giúp doanh nghiệp tận dụng ưu đãi tốt hơn.