''Làn gió mới'' cho âm nhạc thiếu nhi

Văn hóa - Ngày đăng : 07:26, 23/05/2021

(HNM) - Gần đây, liên tiếp những hoạt động âm nhạc thiếu nhi được mở ra với hình thức, quy mô mới, tạo không khí sôi nổi trong mảng nghệ thuật quan trọng này. Đây là tín hiệu đáng mừng, dần khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu trong âm nhạc thiếu nhi lâu nay, thổi “làn gió mới” cho đời sống tinh thần của thế hệ tương lai nước nhà.

Một tiết mục biểu diễn sôi động của thiếu nhi tại chương trình kỷ niệm sinh nhật lần thứ 91 của nhạc sĩ Phạm Tuyên, tháng 1-2021. Ảnh: Mai Liên

Thêm nhiều tác phẩm cho thiếu nhi

Trại sáng tác ca khúc thiếu nhi lần đầu tiên được Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học, nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức tại Nhà sáng tác Tam Đảo cuối tháng 4 vừa qua là cuộc hội tụ lớn gồm 37 nhạc sĩ tâm huyết với mảng đề tài này trên khắp cả nước. Nhạc sĩ Thế Long (thành phố Cần Thơ) cho biết, đây là hoạt động ý nghĩa, hiệu quả vì các nhạc sĩ không chỉ tập trung sáng tác những ca khúc mới, mà còn cùng ngồi lại trao đổi chuyên môn, tìm những hướng đi mới cho âm nhạc thiếu nhi lan tỏa, đi vào đời sống. Theo tổng kết của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, trại sáng tác thu được 77 tác phẩm, đều là những sáng tác tâm huyết, phù hợp với thị hiếu trẻ em hiện nay, tạo nên nguồn tác phẩm thiếu nhi đương đại dồi dào.

Bên cạnh hoạt động của hội nghề nghiệp, nhiều tổ chức, cá nhân cũng có những chuyển động nối dài các tác phẩm thiếu nhi trong đời sống. Vừa qua, gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên phối hợp với Báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng công bố dự án “Cánh én tuổi thơ” phát triển 200 ca khúc viết cho thiếu nhi của cây đại thụ âm nhạc. Các bài hát được phối khí, làm mới và thể hiện sinh động, phổ biến trên nhiều phương tiện, nền tảng công nghệ hiện đại để công chúng dễ tiếp nhận.

Cũng tìm cách làm mới ca khúc quen thuộc với nhiều thế hệ trẻ thơ, cô giáo Bạch Thùy Linh cùng dịch giả Vũ Thế Chung đang thực hiện dự án “Nhạc thiếu nhi song ngữ” - chuyển ngữ các ca khúc thiếu nhi Việt Nam nổi tiếng sang tiếng Anh và giới thiệu trên các kênh YouTube, Facebook...

“Nhiều bạn nhỏ hiện nay thuộc lòng những bài hát người lớn, hoặc chỉ thích nghe nhạc nước ngoài. Một phần vì âm nhạc thiếu nhi Việt Nam ít ca khúc mới đặc sắc. Bù lại, chúng ta đã có những ca khúc hay, được nhiều thế hệ trẻ yêu thích. Nhóm dự án muốn đưa những ca khúc đó trở lại tiếp cận với thế hệ trẻ hiện nay theo phong cách mới”, cô giáo Bạch Thùy Linh chia sẻ. Hiện nhóm đã chuyển ngữ được 8 ca khúc, trong đó có những bài hát nhận được nhiều phản hồi tích cực, như “Cánh én tuổi thơ” (Phạm Tuyên), “Cho con” (Phạm Trọng Cầu), “Chỉ có một trên đời” (Trương Quang Lục)…

Còn nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung - người được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là nhạc sĩ trẻ sáng tác nhiều ca khúc thiếu nhi nhất Việt Nam (từ năm 2012 đến 2020 có 300 ca khúc) vừa hoàn thành bộ sách 5 tập, in trọn các sáng tác cho thiếu nhi của mình để tặng các trường học, trung tâm văn hóa thiếu nhi.

Đưa sáng tác hay vào đời sống

Hơn 60 năm gắn bó với âm nhạc cho trẻ em, nhạc sĩ Hoàng Lân cho rằng, mặc dù có đối tượng đông đảo song âm nhạc thiếu nhi hiện nay vừa thừa, lại vừa thiếu. Có nhiều nhạc sĩ vẫn theo đuổi mảng đề tài này, nhưng phần lớn sáng tác ít được phổ biến, quảng bá để bước vào đời sống, được công chúng đón nhận.

Em Nguyễn Gia Thùy (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Em rất thích nghe nhạc thiếu nhi, nhưng khó tìm được ca khúc mới. Trên truyền hình có ít chương trình giới thiệu bài hát mới, còn trên internet chỉ thấy Xuân Mai, Xuân Nghi hát từ hàng chục năm trước”.

Theo nhạc sĩ Hoàng Lân, để âm nhạc thiếu nhi đi vào đời sống, trước tiên cần tăng cường việc giáo dục cảm thụ âm nhạc trong nhà trường, cuốn hút học sinh tìm đến những ca khúc hay. Bên cạnh đó, các kênh truyền hình, đài phát thanh nên tăng cường chương trình giới thiệu tác phẩm âm nhạc thiếu nhi mới, hay dự án âm nhạc thiếu nhi đặc biệt, phù hợp với trẻ em hiện nay...

Còn nhạc sĩ, nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu cho rằng, sáng tác ca khúc cho thiếu nhi phải bảo đảm dễ hát; các nốt nhạc không quá thấp hay quá cao; giai điệu đẹp, rộn ràng; lời ca giản dị, trong sáng, dễ thương, cập nhật với đời sống trẻ em hôm nay. Nguồn chất liệu đồng dao, ca dao, âm nhạc dân gian rất quý, phù hợp với trẻ em, nhưng khi khai thác phải kết hợp tiết tấu, hòa âm, phối khí, ca từ hiện đại, mới thu hút được các em nhỏ.

Liên quan đến đề tài này, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, Nghị quyết Đại hội lần thứ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra nhiệm vụ quan trọng là phát triển âm nhạc thiếu nhi. Bên cạnh khuyến khích và vận động hội viên sáng tác, cổ vũ các lực lượng trong xã hội tham gia phát triển mảng âm nhạc này, sắp tới Hội sẽ khôi phục Ban Âm nhạc thiếu nhi, tổ chức giải thưởng âm nhạc thiếu nhi, tổ chức các liên hoan, festival âm nhạc thiếu nhi, tạo sân chơi cho các nhạc sĩ đưa sáng tác mới đến với công chúng, đồng thời phát hiện và bồi dưỡng tài năng âm nhạc nhỏ tuổi…

Thụy Du