Thúc đẩy ngành logistics phát triển xứng tầm

Kinh tế - Ngày đăng : 06:21, 23/05/2021

(HNM) - Trong khi nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng hội nhập, kim ngạch xuất khẩu và thương mại nội địa liên tục tăng trưởng thì ngành logistics vẫn hạn chế nhiều mặt, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành nghề, lĩnh vực. Đầu tư công nghệ, liên kết tạo thành mạng lưới các doanh nghiệp logistics lớn là vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển xứng tầm ngành kinh tế mũi nhọn.

Cơ quan quản lý nhà nước đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp logistics để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

“Đi sau” nhu cầu kinh tế - xã hội

Những năm qua, ngành logistics (là hoạt động thương mại bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa...) Việt Nam đã có những bước phát triển, song chưa tương xứng với tăng trưởng chung của nền kinh tế. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, trong số hơn 4.000 doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ logistics, có tới 95% là doanh nghiệp trong nước, nhưng hầu hết quy mô nhỏ, hạn chế về vốn, nhân lực, công nghệ, kinh nghiệm. Bởi vậy, việc cung cấp chuỗi dịch vụ logistics chưa hiệu quả, chi phí cao, thiếu sức cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa.

Theo Phó Trưởng ban Kinh doanh và Phát triển thị trường (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam) Nguyễn Quốc Hưng, trong cơ cấu tổng sản lượng vận chuyển hàng hóa, hàng hóa quốc tế chiếm đến 80%, nhưng các hãng hàng không trong nước chỉ đáp ứng 12%, phần còn lại nằm trong tay 75 hãng hàng không nước ngoài có đường bay đến Việt Nam. Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Lê Quang Trung cho biết, doanh nghiệp đang có 16 cảng biển trên toàn quốc, với tổng sản lượng hàng hóa khoảng 15 triệu tấn nhưng năng lực hoạt động chưa xứng với tiềm năng. “Thị trường của chúng ta còn lớn hơn thực tế đang làm được rất nhiều”, ông Lê Quang Trung nói.

Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel Trần Trung Hưng nhìn nhận, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, kết nối giữa các phương thức vận tải và các doanh nghiệp hạn chế là nguyên nhân dẫn đến chi phí vận tải tại Việt Nam cao, khó cạnh tranh. Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, phân khúc logistics phục vụ thương mại điện tử quá tải vì số lượng người mua hàng tăng đột biến. Điều này cho thấy, doanh nghiệp logistics thiếu sự chuẩn bị để thích nghi với hoàn cảnh mới và vẫn “đi sau” nhu cầu kinh tế - xã hội.

Báo cáo về Chỉ số logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility mới công bố cho thấy, chi phí logistics của Việt Nam chiếm hơn 20% GDP (Tổng sản phẩm nội địa). Trong khi, mức chi phí logistics trung bình trên thế giới chỉ khoảng 11% GDP.

Liên kết để "đi xa"

Theo Bộ Công Thương, quy mô thị trường logistics toàn cầu năm 2021 ước đạt 3.215 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2020, cho thấy ngành logistics có tiềm năng phát triển rất lớn. Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đặt mục tiêu: Tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15-20%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP… Bên cạnh đó, phát triển logistics là “đòn bẩy” cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phát triển cũng như góp phần “dọn tổ” để đón “đại bàng” trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng.

Để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp logistics cần liên kết để nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập với thế giới. Giám đốc bộ phận vận chuyển Lazada Việt Nam Ngô Thị Trúc Anh nêu: “Để nâng sức cạnh tranh, việc chuyển đổi số rất quan trọng. Các doanh nghiệp sản xuất, logistics cần nỗ lực số hóa để đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh hiện nay”. Còn đại diện Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu VIPCO khẳng định, muốn nâng cao sức cạnh tranh phải giảm các chi phí cảng biển, neo đậu... Bởi các khoản phí này luôn chiếm khoảng 55-60% doanh thu của chuyến hàng.

Bên cạnh giải pháp về công nghệ, giảm chi phí, đào tạo nguồn nhân lực…, vấn đề mấu chốt để phát triển ngành logistics là củng cố nội lực. Về vấn đề này, Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel Trần Trung Hưng cho rằng, để tăng cường sự liên kết, các doanh nghiệp Việt Nam phải thực sự cởi mở, trong đó vai trò kết nối của hiệp hội rất quan trọng. Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty Smartlog Việt Nam (doanh nghiệp logistics) Đỗ Huy Bình cho biết, ngoài việc mỗi doanh nghiệp nỗ lực chuyển đổi số cũng nên cùng nhau bắt tay hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, bởi muốn đi xa không thể đi một mình.

Đây cũng là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khi cho rằng, cần đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thúc đẩy sự chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm. Ngoài ra, mạng lưới các doanh nghiệp lớn sẽ dẫn dắt thị trường, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam... “Hoạt động này không chỉ cần sự chủ động của doanh nghiệp mà còn cần những chính sách hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Lam Giang