Nguy cơ từ thực phẩm ngâm hóa chất
Xã hội - Ngày đăng : 06:07, 25/05/2021
Nhiều vi phạm an toàn thực phẩm
Rạng sáng ngày 12-5 vừa qua, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ba Đình đã bắt quả tang một cửa hàng kinh doanh hải sản ở phía sau chợ Long Biên sử dụng hóa chất oxy già công nghiệp để tẩy trắng mực bán ra thị trường. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ một chai đựng oxy già công nghiệp cùng 30kg mực đã được tẩy trắng. Nhân viên của cơ sở này thừa nhận đã nhiều lần dùng oxy già ngâm mực bị hư hỏng, ôi thiu để làm sạch mùi hôi thối, tẩy trắng bán cho người tiêu dùng dù biết đây là chất phụ gia không được phép sử dụng trong thực phẩm.
Trước đó, ngày 6-4-2021, Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội cùng các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cũng kiểm tra, xử lý 1 vụ bơm tạp chất vào tôm để nâng trọng lượng tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai. Một ngày sau, Đội Quản lý thị trường số 5 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phát hiện và xử lý 1 xe ô tô chở 600kg tràng trứng gà non không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đã biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi thối tại khu vực phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng).
Đại tá Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng chức năng vào cuộc kiểm tra, bắt quả tang nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố có hành vi dùng hóa chất công nghiệp để tẩy trắng thực phẩm. Sau khi các lực lượng chức năng mạnh tay xử lý thì tình trạng này ít xuất hiện. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lợi dụng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số đối tượng tiếp tục có hành vi ngâm tẩm hóa chất độc hại vào thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Không chỉ tại Hà Nội, ngày 18-5-2021, Công an thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phát hiện 1 cơ sở ngâm 1,8 tấn ốc với hóa chất công nghiệp. Tháng 1-2021, cũng tại thành phố Hồ Chí Minh, 1 cơ sở chế biến ốc tại khu vực chợ đầu mối nông sản Bình Điền đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, thu giữ gần 500kg hóa chất và hơn 1,3 tấn ốc để phục vụ công tác điều tra, xử lý...
Tăng cường kiểm tra đột xuất
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Ngô Đình Loát cho biết, toàn thành phố hiện có 27.335 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Trong đó, cấp thành phố quản lý có 920 cơ sở (chiếm 30%); còn lại cấp quận, huyện, thị xã quản lý 7.936 cơ sở; cấp xã, phường, thị trấn quản lý 18.499 cơ sở... Do công tác quản lý có lúc còn lỏng lẻo nên đã xảy ra tình trạng sử dụng hóa chất công nghiệp để ngâm thực phẩm bán ra thị trường.
Để ngăn chặn tình trạng này, theo ông Ngô Đình Loát, trong thời gian tới Chi cục sẽ phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc sản xuất, kinh doanh mặt hàng thủy sản tươi sống tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm; chuyển từ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch sang đột xuất.
Còn theo Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Anh Tuấn, quận đã có kế hoạch kiểm tra định kỳ, lấy mẫu ngẫu nhiên; hoặc khi có thông tin phản ánh của người dân về sản phẩm có dấu hiệu ngâm tẩm hóa chất, quận sẽ kiểm tra đột xuất, lấy mẫu để làm xét nghiệm, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có). “Chúng tôi rất mong người dân tố giác những trường hợp sai phạm để cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn, xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe của người dân”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Đại tá Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố Hà Nội) cũng khẳng định, đơn vị sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng ra quân kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp ngâm, tẩm hóa chất độc hại vào thực phẩm; kết hợp tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo cho người tiêu dùng lựa chọn các thực phẩm an toàn.
Liên quan đến việc lựa chọn thực phẩm, PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo, chỉ được sử dụng oxy già vào thực phẩm với nồng độ rất nhỏ. Nếu ngâm trong thời gian hàng tiếng đồng hồ với nồng độ cao quá mức, khi người tiêu dùng sử dụng có thể gây xung huyết dạ dày, các bệnh liên quan đến đường ruột... Do đó, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, không nên ham rẻ mà mua thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hãy chọn thực phẩm tươi sống, của các cơ sở uy tín để tránh “tiền mất tật mang”.