Hà Nội: Chấp hành nghiêm quy định đóng cửa nhà hàng, quán ăn
Đời sống - Ngày đăng : 18:40, 25/05/2021
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới chiều 25-5, nhiều hàng quán đã đóng cửa ngừng hoạt động, chính quyền các địa phương cũng tăng cường kiểm tra, giám sát.
Đồng loạt ra quân
Ghi nhận tại “thủ phủ” cà phê trên phố Triệu Việt Vương (quận Hai Bà Trưng); Phan Đình Phùng, quanh hồ Trúc Bạch (quận Ba Đình); phố Nguyễn Đình Thi (quận Tây Hồ)…, đúng 12h các hàng quán đồng loạt đóng cửa, treo biển “Chỉ bán mang về”.
Anh Trần Diễm, chủ hệ thống cà phê đường phố KaFa cho biết, thực hiện nghiêm chủ trương phòng, chống dịch, hệ thống này, tập trung tại nhiều ngã tư lớn trong các phố, đều đóng cửa, nhân viên từ chối cho khách ngồi ở quán, chỉ bán mang về.
Tương tự, tại các tuyến phố Hàng Bông, Lý Quốc Sư, Lương Ngọc Quyến, Cầu Gỗ, Bát Sứ, Bát Đàn… thuộc quận Hoàn Kiếm, là những tuyến phố tập trung nhiều cửa hàng ăn uống, chủ hàng nghiêm túc đóng cửa từ 12h ngày 25-5.
Các quán cà phê, hàng ăn uống tại địa bàn quận Cầu Giấy, Đống Đa, Ba Đình, Thanh Xuân… cũng tuân thủ việc đóng cửa, chỉ bán hàng mang về. Hầu hết người dân nắm rõ quy định của thành phố, chấp hành nghiêm túc. Chị Nguyễn Hoài Thương, một người kinh doanh hàng ăn trên phố Đào Tấn (quận Ba Đình) cho biết: "Từ 12h hôm nay, cửa hàng chúng tôi đã dọn dẹp bàn ghế, đồ đạc, không tiếp nhận khách vào ăn hàng, chỉ bán mang về. Trước diễn biến khó lường của dịch, mỗi người cần nâng cao ý thức một chút, chấp hành quy định để chung tay đẩy lùi dịch bệnh".
Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) Nguyễn Hải cho biết, sáng 25-5, hai tổ lưu động của phường đã phát thông báo tạm dừng hoạt động đến hơn 1.000 hộ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, cà phê, cắt tóc gội đầu trên địa bàn phường. Đến 17h, hai tổ công tác cùng 51 tổ Covid-19 cộng đồng tiếp tục tuyên truyền, giám sát, nhắc nhở, đồng thời yêu cầu các hộ ký cam kết chấp hành nghiêm quy định. Nhìn chung, các hộ đều đóng cửa phòng dịch.
Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, để bảo đảm các hàng quán tuân thủ nghiêm quy định, Công an quận cũng tăng cường các tổ tuần tra giám sát, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử phạt mức cao, gần 20 triệu đồng với mỗi trường hợp vi phạm.
Đại úy Phạm Đức Ngọc, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông và trật tự (Công an quận Hai Bà Trưng) cũng cho biết, các hàng quán trong khu vực đều tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch, hầu hết đều đồng loạt đóng cửa và ký cam kết không vi phạm.
Cũng trong ngày 25-5, các quận Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… đồng loạt ra quân nhắc nhở, yêu cầu các cửa hàng ký cam kết tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của thành phố.
Yêu cầu người đứng đầu chịu trách nhiệm
Việc thực hiện Công điện của thành phố cũng được thực hiện nghiêm túc tại các huyện. Tại nhiều khu vực trên địa bàn huyện Quốc Oai trong chiều 25-5, phóng viên nhận thấy, hầu hết các quán ăn, cắt tóc, gội đầu, trà chanh, cửa hàng kinh doanh không thiết yếu đều đã đóng cửa hoặc treo biển “Chỉ bán mang về” để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng, UBND huyện đã yêu cầu các phòng, ban, ngành và UBND các xã, thị trấn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nhằm huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Từ chiều 25-5, lực lượng chức năng huyện đã đi kiểm tra, nếu phát hiện trường hợp nào cố tình hoạt động sẽ xử phạt nghiêm theo quy định, đồng thời yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn chịu mọi trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương.
Khảo sát thực tế tại địa bàn xã Yên Viên (huyện Gia Lâm), phóng viên ghi nhận người dân tuân thủ nghiêm công tác phòng, chống dịch, đeo khẩu trang nơi công cộng. Chủ tịch UBND xã Yên Viên Nguyễn Văn Kỷ cho biết, từ 12h ngày 25-5, các hàng, quán cắt tóc, gội đầu, hàng ăn... trên địa bàn xã đều đóng cửa, tạm dừng kinh doanh theo chỉ đạo của thành phố và huyện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cũng cho biết, huyện đã yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại địa phương, đơn vị mình phụ trách.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng, từ sáng 25-5, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh và tổ chức xe lưu động thông báo thực hiện theo Công điện của thành phố tới các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ, cắt tóc, gội đầu về việc tạm dừng hoạt động, chỉ cho phép bán hàng mang về... Qua rà soát, trên địa bàn huyện Ứng Hòa có 447 cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, đều cam kết đóng cửa theo đúng quy định.
Tương tự, trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện Chương Mỹ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, karaoke, quán cắt tóc, gội đầu... đều đóng cửa; một số quán ăn vẫn mở cửa nhưng đã xếp gọn bàn ghế, treo biển “chỉ bán mang về”.
Nhìn chung trong ngày đầu thực hiện Công điện 11/CĐ-UBND của thành phố, các hàng quán trên địa bàn Hà Nội đã chấp hành nghiêm việc tạm dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ để bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19. Để duy trì được kết quả, thời gian tới, lãnh đạo địa phương và lực lượng chức năng tại cơ sở cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.