Giữ nguyên thời gian thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào ngày 7 và 8-7
Giáo dục - Ngày đăng : 13:16, 27/05/2021
Bố trí điểm thi riêng cho thí sinh diện F1
Báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo Mai Văn Trinh cho biết, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay diễn ra vào ngày 7 và 8-7 với gần 1.020.000 thí sinh đăng ký dự thi, nhiều hơn 120.000 thí sinh so với năm trước.
Tính đến hết ngày 26-5, cả nước có 412 thí sinh thuộc diện F0, F1, trong đó có 18 thí sinh diện F0, 394 thí sinh F1, chủ yếu ở 4 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam và Điện Biên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương có kịch bản cụ thể, phân loại học sinh thuộc diện F0, F1, F2 và có giải pháp xử lý phù hợp, bảo đảm quyền lợi tối đa cho học sinh. Theo đó, các thí sinh diện F0 được xét đặc cách tốt nghiệp; với thí sinh diện F1, F2, các địa phương bố trí điểm thi riêng cho đối tượng thí sinh diện F1, bố trí phòng thi riêng cho thí sinh diện F2. Trong trường hợp bất khả kháng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tính đến phương án tổ chức thêm đợt thi.
Theo Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đức Cường, năm nay, Bộ huy động khoảng 200 cơ sở giáo dục đại học tham gia thanh tra tất cả các khâu tổ chức kỳ thi ở địa phương.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp trung học phổ thông thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng báo cáo về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi. Toàn thành phố Hà Nội có hơn 101.000 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi, tăng hơn 22.000 thí sinh so với năm 2020. Hà Nội dự kiến tổ chức 187 điểm thi với hơn 4.200 phòng thi.
Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp trung học phổ thông thành phố; triển khai các phương án tổ chức kỳ thi để chủ động ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch, bố trí thêm điểm thi, phòng thi dự phòng; rà soát các thí sinh thuộc diện F0, F1, F2…
Hà Nội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể đối với một số tình huống như: Theo quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các thí sinh diện F0 được miễn thi, nhưng nếu có tổ chức kỳ thi đợt 2 mà thí sinh có nguyện vọng thi thì có được tham gia hay không; phương án tổ chức thi đối với thí sinh đang ở địa bàn bị phong tỏa ra sao?
Không lơ là nhiệm vụ phòng, chống dịch
Liên quan đến việc tổ chức thi cho đối tượng thí sinh diện F1, đại diện Bộ Y tế lưu ý các địa phương nên tổ chức phòng thi cho thí sinh diện F1 tại khu vực cách ly tập trung để phòng tránh lây nhiễm chéo; nếu tổ chức thi ở ngoài khu vực cách ly tập trung thì cần có xe đưa đón riêng cho thí sinh; cán bộ coi thi, cán bộ chấm thi phải mặc trang phục bảo hộ; túi đựng bài thi phải được khử khuẩn…
Trước băn khoăn của nhiều địa phương về tình huống cán bộ coi thi thí sinh diện F1 có phải cách ly hay không, đại diện Bộ Y tế hướng dẫn: Sau khi thi xong, các địa phương tổ chức xét nghiệm cho thí sinh, nếu có kết quả dương tính với vi rút SARS -CoV- 2 thì có phương án cách ly cho cán bộ coi thi.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Các địa phương cần thống nhất tinh thần không lơ là, chủ quan, song cũng không hoảng hốt, cực đoan để bảo đảm mục tiêu kép, kỳ thi đạt kết quả nghiêm túc, chất lượng, bảo đảm an toàn cho thí sinh và những người tham gia. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các bộ, ngành tiếp tục phối hợp, hỗ trợ ngành Giáo dục; các địa phương tiếp tục ưu tiên mọi điều kiện tập trung cho công tác tổ chức kỳ thi theo tinh thần không vì tập trung cao độ về chuyên môn mà lơ là nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Tiếp thu ý kiến của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức thi đối với từng đối tượng thí sinh F0, F1, F2; bảo đảm sự cân bằng đề thi giữa các đợt thi. Đề thi năm nay sẽ bám sát cấu trúc đề thi tham khảo đã ban hành, song có phần nhẹ hơn.
Thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ nguyên thời gian tổ chức kỳ thi vào ngày 7 và 8-7-2021, trong trường hợp tình hình dịch diễn biến phức tạp hơn, căn cứ theo diễn biến thực tế và đề xuất của các địa phương, Bộ sẽ có phương án cụ thể. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi của địa phương. Bên cạnh phương án tổ chức thi an toàn trong điều kiện có dịch, địa phương cần lưu ý khâu lựa chọn nhân sự bảo đảm có đạo đức, trách nhiệm, chuyên môn và phải được tập huấn nghiêm túc, nhất là những người làm trưởng điểm thi, cán bộ coi thi...
Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tổ chức thi nghiêm túc, chặt chẽ nhưng không căng thẳng. Muốn vậy, công tác phổ biến quy chế thi cho cán bộ coi thi và thí sinh cần được tổ chức nghiêm túc, tránh để xảy ra trường hợp vi phạm quy chế vì lơ là, chủ quan...
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cũng lưu ý các địa phương quan tâm công tác bảo đảm an ninh, bảo mật đề thi; phòng ngừa hành vi gian lận công nghệ cao, đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho thí sinh và những người tham gia ở tất cả các khâu của kỳ thi.