Không có điểm dừng

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:05, 28/05/2021

(HNM) - Công tác cải cách hành chính luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội xác định là nhiệm vụ không có điểm dừng, là một trong ba khâu đột phá của nhiều năm trở lại đây. Trong đó, toàn bộ 6 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính đều được thực hiện đồng bộ và đạt nhiều kết quả rõ nét.

Điển hình là thành phố tiếp tục thực hiện tốt khâu chuẩn hóa thủ tục hành chính. 100% thủ tục hành chính của Hà Nội đều được thực hiện tại bộ phận “một cửa”. Thành phố cũng lấy quan điểm chỉ đạo: Các mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu của Thủ đô phải bằng hoặc cao hơn mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu của Chính phủ đề ra; xây dựng lộ trình và giải pháp bảo đảm thực hiện trong từng năm, từng giai đoạn và phấn đấu có nhiều chỉ tiêu về đích trước thời hạn.

Chính nỗ lực đó nên những năm gần đây, khi xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Hà Nội luôn trong nhóm địa phương dẫn đầu cả nước. Thành quả này có sự đóng góp tích cực từ việc thực hiện công tác cải cách hành chính của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã. Đặc biệt, thông qua kết quả PAR Index được UBND thành phố công bố hằng năm, mỗi đơn vị đều có sự nhìn nhận, phân tích kỹ lưỡng và đề ra hướng duy trì, cải thiện cho riêng mình.

Tuy nhiên, đánh giá tổng thể, vẫn chưa thể hài lòng về công tác cải cách hành chính ở cấp sở, cấp huyện nói riêng và nền hành chính của thành phố Hà Nội nói chung. Cụ thể, những tham chiếu liên quan như Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) còn thấp so với yêu cầu đặt ra. Do đó, để công tác cải cách hành chính thật sự đạt yêu cầu thì điều đầu tiên vẫn là tiếp tục nâng chất lượng các chỉ số thành phần trong chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI. Trong đó, Đoàn kiểm tra công vụ thành phố cần chú trọng kiểm tra đột xuất các lĩnh vực người dân quan tâm như: Tài nguyên và môi trường; xây dựng; quy hoạch - kiến trúc; tài chính; thông tin và truyền thông; giáo dục và đào tạo; y tế…

Các ngành, địa phương cần tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính. Cùng với đó, đẩy mạnh thanh tra, giám sát, công bố kết quả giải quyết thủ tục hành chính nội bộ; đôn đốc, nhắc nhở, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm đạo đức công vụ, không chấp hành hoặc chấp hành chưa nghiêm kỷ luật, kỷ cương ở cơ quan, đơn vị...

Mỗi đơn vị cũng cần nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; thực hiện tốt cơ chế "một cửa", "một cửa" liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết cho người dân, doanh nghiệp. Mặt khác, rà soát thường xuyên các trang thiết bị tại bộ phận “một cửa” các cấp và triển khai cơ sở dữ liệu trong tổng hợp, báo cáo, lưu trữ số liệu cải cách hành chính, trong thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa" liên thông. Cùng với đó là thường xuyên nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng phù hợp.

Cũng cần lưu ý thêm là từ ngày 1-7 tới, khi 12 quận và thị xã Sơn Tây thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, càng cần sự làm việc chuyên nghiệp hơn của đội ngũ cán bộ, công chức để tiếp tục giảm phiền hà, tăng sự hài lòng của tổ chức, cá nhân. Và, nhiệm vụ không có điểm dừng này sẽ tiếp tục tạo thông thoáng, thuận lợi cho sự phát triển của Thủ đô.

Đỗ Quỳnh Chi