Họa sĩ Vi Quốc Hiệp: Một đời mải mê theo cái đẹp

Văn hóa - Ngày đăng : 06:07, 28/05/2021

(HNMCT) - Nghe qua thì có vẻ 2 mảng đề tài lớn trong sáng tác của họa sĩ Vi Quốc Hiệp là biệt thự cổ Đà Lạt và phái đẹp không liên quan với nhau, nhưng khi ông thổ lộ lý do vẽ biệt thự cổ Đà Lạt vì thấy… "vẻ đẹp của những nàng công chúa ở trong đó" thì tôi đã có suy nghĩ khác. Ông là người luôn hướng ngòi bút đến cái đẹp, yêu cái đẹp đến mê mải. Gần đây, ông đã ra mắt triển lãm tranh “Vẽ phái đẹp” tại 42 Yết Kiêu (Hà Nội), trưng bày hơn 100 ký họa chân dung từ các thiếu nữ dân tộc chất phác, giản dị đến những cô gái thành thị quý phái.

1. Đến triển lãm tranh “Vẽ phái đẹp” (diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua), tôi cảm nhận được sự nhanh nhẹn, hoạt bát, vui tính và vẻ trẻ trung toát ra từ ông dù năm nay ông đã bước vào tuổi 73. Ngắm nghía một vòng, tôi dừng lại thật lâu bên bức vẽ sơn dầu với nét bút khỏe khoắn “Nữ dân quân Tày - Đồng Văn”. Đây cũng chính là bức tranh đầu tiên mà ông vẽ về phái đẹp từ cách đây đúng nửa thế kỷ.

Nhớ lại tác phẩm đặc biệt này, họa sĩ Vi Quốc Hiệp cho biết, vào tháng 9-1971, khi ông vừa tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) thì được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phân công về công tác tại Ty Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa) Hà Giang. “Trong lần đến chơi nhà họa sĩ Hoàng Quốc Cứu ở Đồng Văn, tôi xin phép vẽ chân dung vợ của chủ nhà là chị Hoàng Thị Phiên vì lúc ấy tôi rất ấn tượng với khuôn mặt ửng hồng cùng bộ áo chàm hơi bạc mà chị đang mặc. Bức tranh ấy đã được đưa ra triển lãm ở Hà Nội vào năm 1974 và được ghi vào sách “Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam” với dòng chữ “là một trong những bức tranh đẹp của hội họa nước ta”, họa sĩ Vi Quốc Hiệp nhớ lại.

Sau thành công bước đầu này, ông mê mải với chủ đề phái đẹp. Suốt những năm tuổi trẻ ông gắn bó với vùng cao Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn... Mỗi nơi ông qua, mỗi người phụ nữ ông gặp đều được ngòi bút tài hoa của ông ghi lại. Để rồi từ năm 2002 đến nay ông đã có 5 cuộc triển lãm về hoa và phái đẹp, trong đó có 2 triển lãm được tổ chức tại Hà Nội. Các thiếu nữ trong tranh của ông đa phần mang vẻ đẹp của núi rừng phía Bắc thuần khiết, đặc biệt có những bức vẽ ông thậm chí còn chưa gặp mẫu của mình ngoài đời bao giờ mà chỉ ngắm qua sách báo.

Nhiều người gặp Vi Quốc Hiệp đều tò mò với câu hỏi: Vẽ chân dung người đẹp nhiều thế, liệu ông có thuộc típ người đào hoa không? Sau khi rời khỏi phòng mẫu, có ai nặng lòng với ông không? Gặp những câu hỏi như thế, ông thường trả lời: “Tôi vẽ xong hầu như họ quên tôi hết, nhưng họ thích bức tranh của tôi lắm”. Quan điểm của ông là cố gắng để ai cũng được sở hữu bức vẽ của mình như lưu giữ một kỷ niệm đẹp, bởi thế, với những mẫu không có điều kiện kinh tế thì ông sẽ vẽ hai bức rồi tặng lại một bức cho mẫu, một bức giữ lại trong phòng tranh của mình. 

Một bức tranh vẽ biệt thự cổ Đà Lạt của họa sĩ Vi Quốc Hiệp.

2. Họa sĩ Vi Quốc Hiệp sinh sống ở Đà Lạt từ năm 1978 đến nay, nhiều người dân xứ sở mù sương từ lâu đã coi ông là một người con của vùng đất này. Thời gian đầu sống ở Đà Lạt, ông thường theo mạch vẽ có sẵn là sáng tác về đề tài đồng bào dân tộc thiểu số như thời kỳ công tác ở Hà Giang. Tuy nhiên, khám phá thành phố này ông phát hiện ra rất nhiều ngôi biệt thự cổ ẩn hiện trong rừng thông, trên đồi xa hoặc ở một góc phố nào đó mà mỗi ngôi biệt thự lại có một vẻ đẹp kiến trúc khác nhau. Ông chia sẻ, những bức tranh biệt thự cổ ông vẽ đầu tiên là vào năm 1983. Vẽ xong ngôi biệt thự này ông lại ấn tượng với ngôi biệt thự khác, dần dần hình thành một dòng cảm xúc sáng tác giúp ông thăng hoa và kiên trì đề tài đó đến tận bây giờ.

Theo họa sĩ Vi Quốc Hiệp thì mỗi họa sĩ chuyên nghiệp, yêu nghề, có ý thức giữ gìn nét đẹp truyền thống đều muốn xây dựng một lối vẽ riêng, một phong cách riêng, để khi công chúng nhìn vào họ nhận ra đó là tranh của ai. “Tôi luôn mong muốn và cố tạo cho mình một kiểu vẽ hoặc một phong cách thể hiện, một đề tài chưa ai quan tâm. Những năm 80 của thế kỷ trước, khi đất nước còn nghèo, tranh hay các loại hình nghệ thuật khác chưa có nhiều điều kiện phát triển, tôi đã phát hiện đề tài biệt thự cổ ở Đà Lạt chưa có ai khai thác. Tôi cố gắng ký họa thật nhiều, với nhiều kiểu dáng. Thời đó, với một chiếc xe đạp cà tàng, tôi rong ruổi khắp thành phố để kiếm tìm biệt thự cổ. Lúc đó ở Hà Nội, danh họa Bùi Xuân Phái đã nổi tiếng với “Phố Phái”, tôi không muốn lặp lại lối vẽ của ông mà muốn dựa vào phong cảnh đồi núi nhấp nhô, dựa vào khí hậu, cảnh quan, dựa vào các mùa trong năm của Đà Lạt để sáng tạo. Vì vậy, tên những bức tranh của tôi cũng mang dấu ấn thiên nhiên như: “Đà Lạt mùa cúc quỳ”, “Đà Lạt trong sương sớm”, “Đà Lạt vào thu”...", họa sĩ Vi Quốc Hiệp chia sẻ.

Đam mê vẽ về Đà Lạt, ông luôn tìm cách quảng bá tác phẩm của mình đến với công chúng. Không chỉ tổ chức khoảng 20 triển lãm về Đà Lạt ở các thành phố trong nước, như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt..., ông còn giới thiệu những bộ sưu tập tranh về Đà Lạt đến Anh, Pháp, Mỹ, Australia, Hàn Quốc... Đặc biệt, vào tháng 10-2019, ông còn có một cuộc triển lãm tranh hoành tráng về Đà Lạt ở Hàn Quốc mà ở đó, những bức tranh khắc họa nét độc đáo của con người và thiên nhiên nơi đây đã chinh phục được công chúng “xứ sở Kim chi”. Có lẽ vì thế mà nhiều người đặt cho ông biệt danh “người mang hồn Đà Lạt đi muôn nơi”.

Con gái bà Hoàng Thị Phiên bên bức ảnh chụp tác phẩm “Nữ dân quân Tày - Đồng Văn” của họa sĩ Vi Quốc Hiệp tại triển lãm “Vẽ phái đẹp” vừa qua.

3. Đà Lạt từ lâu đã được biết đến là thành phố mộng mơ, xứ sở ngàn hoa và cũng là mảnh đất khơi gợi cảm hứng nghệ thuật cho bao “thi nhân mặc khách”, trong đó có người con dân tộc Tày Vi Quốc Hiệp. Bởi, ông không chỉ vẽ mà còn làm thơ, viết văn, sáng tác nhạc. Tính đến nay ông đã xuất bản nhiều tập thơ như “Lời hẹn hoa ban” (Nhà xuất bản Thanh niên), “Ước vọng mùa thu” (Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc) và sáng tác nhiều ca khúc được nhiều người biết đến như “Tổ quốc rồng thiêng nổi sóng” (phỏng thơ Tường Huy), “Bác Hồ kính yêu”, “Tượng Bác trên đỉnh Trường Sơn” (thơ Phạm Vũ), “Bài ca thi đua” (thơ Hồ Chí Minh), “Mùa thu cho anh” (thơ Hoàng Mai), “Đà Lạt của mọi người”, “Đà Lạt ban mai” (thơ Nguyễn Thị Thanh Toàn)...

Chia tay tôi, họa sĩ Vi Quốc Hiệp cao hứng đọc mấy câu thơ: “Dáng em hướng nào cũng đẹp/ Dải lụa vắt ngang nắng chiều/ Để ngày giật mình thảng thốt/ Đêm về đổ bóng liêu xiêu”..., đủ thấy ông có một tình yêu lớn với cái đẹp. Một tâm hồn nghệ sĩ luôn rung cảm với cái đẹp như thế, tôi tin rằng con đường chinh phục cái đẹp của ông vẫn chưa dừng lại. Vì thế, trong tương lai công chúng yêu nghệ thuật sẽ có thêm nhiều cơ hội thưởng thức cái đẹp của thiên nhiên, con người, cảnh vật từ tranh của ông.

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp sinh năm 1948 tại Lạng Sơn, là người dân tộc Tày. Năm 1971, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, ông được phân công lên công tác tại Ty Văn hóa Hà Giang và bắt đầu rong ruổi trên hành trình sáng tạo của mình. Ông vẽ Bác Hồ từ năm 1968 khi đang học năm thứ 2 Đại học Mỹ thuật  Hà Nội, trong đó có một số bức khá nổi tiếng như “Bác Hồ với thiếu niên dân tộc”, “Bác Hồ với các dân tộc Việt Nam”...

Hà Linh