Xây dựng lối thoát hiểm ''giặc lửa'': Yêu cầu bức thiết

Đời sống - Ngày đăng : 06:11, 29/05/2021

(HNM) - Thực tế trong các vụ cháy gây thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn Hà Nội thời gian qua cho thấy, hầu hết các hộ gia đình đều không có lối thoát hiểm khi gặp sự cố. Do đó, để hạn chế thiệt hại, việc chủ động các phương án chữa cháy và xây dựng lối thoát hiểm "giặc lửa" là yêu cầu bức thiết đặt ra cho mỗi hộ gia đình hiện nay.

Lực lượng chức năng cứu người bị nạn trong diễn tập chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở khu dân cư tại phường Phương Mai (quận Đống Đa). Ảnh: Mai Hữu

“Nhà không lối thoát” còn phổ biến

Theo Công an thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn Thủ đô đã xảy ra 6 vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng và đều tại loại hình nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Điển hình là vụ cháy ngày 4-4-2021 khiến 4 người tử vong ở số nhà 311 phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa). “Ngôi nhà chỉ có lối thoát hiểm duy nhất ở tầng 1 đã gây khó khăn rất lớn cho việc giải cứu người và tài sản”, Trung tá Nguyễn Minh Thành, Phó Trưởng Công an quận Đống Đa phân tích.

Thực tế cho thấy, lối thoát hiểm là yếu tố quan trọng hàng đầu khi xảy ra hỏa hoạn, đặc biệt là với các công trình nhà ở dạng ống nằm sâu trong ngõ nhỏ, phố nhỏ. Trung tá Nguyễn Minh Thành cho rằng, mỗi ngôi nhà dạng ống liền kề thường kết cấu ba mặt giáp với nhà bên cạnh, trong khi cửa ra vào chính ở mặt tiền và ban công thường bị che chắn kiên cố để chống trộm nên không có lối thoát hiểm nếu lửa bùng phát từ phía mặt tiền. Hiện trạng này xảy ra phổ biến tại các quận trung tâm thành phố…

Sử dụng nhà ở kết hợp trông giữ xe máy tại tầng 1, bà Phạm Thị Phương (ngõ 629 đường Giải Phóng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai) cho biết, do đặc thù kinh doanh, để bảo đảm an toàn nên cửa chính của ngôi nhà được thiết kế hai lớp cửa gỗ và cửa sắt. Đây cũng là lối thoát hiểm duy nhất của gia đình. Biết là nguy hiểm nhưng gia đình bà vẫn thiết kế cửa kiên cố để chống trộm.

Nguy hiểm là vậy, tuy nhiên theo Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Trung Dũng, hiện nay chỉ có quy định, quy chuẩn về thoát nạn đối với các chung cư, trung tâm thương mại và công trình khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích trên 5.000m³, còn nhà ở đơn lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh vẫn chưa có quy định. “Hầu hết các công trình nhà ở riêng lẻ chỉ chú trọng tận dụng diện tích công năng sử dụng, chưa tính toán đến các yêu cầu kỹ thuật khác, trong đó có vấn đề thoát nạn khi sự cố xảy ra”, ông Nguyễn Trung Dũng nói.

Việc chưa có các quy định pháp lý khiến chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy với công trình nhà ở riêng lẻ. Phó Chủ tịch UBND phường Bưởi (quận Tây Hồ) Hoa Xuân Thuận cho biết, hiện công tác quản lý chủ yếu là nhắc nhở, khuyến cáo, không thể xử lý vi phạm hành chính bởi không có chế tài pháp lý ràng buộc các cơ sở, hộ gia đình.

Công an quận Ba Đình và cán bộ phường Cống Vị hướng dẫn người dân các phương án chữa cháy, thoát nạn tại gia đình. Ảnh: Mai Hữu

Kiến nghị ban hành quy định về thoát nạn

Để khắc phục tình trạng này, một số địa phương ở Hà Nội đã có những phương án phù hợp nhằm hướng dẫn, phổ biến cho người dân. Trong đó có thể kể đến mô hình mở lối thoát nạn “chuồng cọp” tại các nhà tập thể ở quận Cầu Giấy, Thanh Xuân; diễn tập phương án chữa cháy, thoát nạn phù hợp với tình hình khu dân cư tại quận Ba Đình...

Thượng tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông cho biết, trên địa bàn quận hiện có 504 nhà ở kết hợp kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Do đó, để bảo đảm an toàn cho người dân đang sinh sống, làm việc tại đây, quận Hà Đông đã triển khai tập huấn về công tác phòng cháy, chữa cháy cho các cơ sở và chính quyền địa phương.

Để khắc phục tình trạng thiếu cơ sở pháp lý, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, UBND cấp huyện và đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy cho nhà ở hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và phù hợp thực tế. Trong đó, đặc biệt lưu ý các tiêu chí về lối thoát nạn, lối thoát khẩn cấp và giải pháp ngăn cháy lan để người dân có căn cứ thực hiện.

Trước mắt, để bảo đảm an toàn, mỗi hộ gia đình cần chủ động thực hiện xây dựng các phương án, lối thoát hiểm phù hợp với kiến trúc công trình đang ở, sản xuất, kinh doanh. Về vấn đề này, Đại úy Đỗ Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) khuyến cáo, để thoát nạn an toàn, trước hết các hộ dân phải xác định được lối ra an toàn khi căn nhà bị cháy, trong đó căn nhà phải bảo đảm có 2 lối thoát nạn. Thông thường các lối thoát ra nơi an toàn ở các nhà độc lập hoặc liền kề bao gồm lối ra cửa chính của căn nhà; lối ra cầu thang thoát nạn ngoài nhà từ các tầng; lối ra ban công hoặc lô gia; lối lên trên sân thượng để thoát sang công trình liền kề…

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 27-5-2021 về thực hiện đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố. Trong đó, thành phố đặt mục tiêu 100% các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh được hướng dẫn và ký cam kết bảo đảm an toàn; cam kết khắc phục tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đợt cao điểm được chia thành 2 giai đoạn, bắt đầu từ ngày 1-6 đến hết ngày 15-10-2021.

Tiến Thành