Đồng hành với người dân vượt qua đại dịch

Xã hội - Ngày đăng : 06:25, 30/05/2021

(HNM) - Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang triển khai nhiều giải pháp để chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ người dân vượt qua đại dịch Covid-19, đặc biệt là đối tượng khách hàng đặc thù - những người yếu thế. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội kiêm Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Lê Thị Đức Hạnh xung quanh vấn đề này.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội kiêm Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Lê Thị Đức Hạnh.

Chung sức cùng cộng đồng

- Xin bà cho biết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động thế nào đến hoạt động cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội?

- Thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, trong đó có sản xuất nông nghiệp, đời sống người nông dân cũng như các hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội nói chung, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội nói riêng. Đặc thù của Ngân hàng Chính sách xã hội là giao dịch trực tiếp tại các xã, phường, thị trấn; các nghiệp vụ giao dịch giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm phải tiếp xúc với nhiều người. Mặt khác, khách hàng vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội chủ yếu là những người yếu thế, những hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, rất dễ gặp rủi ro, tổn thất trước những biến động về kinh tế - xã hội. Có những hộ vay bị ảnh hưởng liên tiếp của dịch bệnh từ năm 2020 đến nay, chưa thể khôi phục sản xuất, kinh doanh nên chưa có khả năng trả nợ, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của đơn vị. Do đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các nghiệp vụ giao dịch phải bảo đảm an toàn cho cả nhân viên ngân hàng và khách hàng, nên khối lượng công việc nhiều hơn, các hoạt động trong giao dịch cũng phải cẩn trọng hơn.

Mặc dù vậy, trong 5 tháng đầu năm 2021, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã giải ngân cho gần 54.400 lượt khách hàng với số tiền là 2.297 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hơn 1.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn ổn định sản xuất, kinh doanh; gần 100 hộ dân được vay vốn xây dựng nhà ở hoặc mua nhà ở xã hội; hơn 13.000 lượt hộ dân vay vốn để xây dựng, cải tạo công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; 30 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để duy trì học tập... Thông qua các nguồn vốn vay đã tạo việc làm cho hơn 40 nghìn lao động. Các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời giúp nhiều người dân vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch và đồng hành, hỗ trợ kịp thời nguồn vốn cho người dân ổn định cuộc sống, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận, huyện, thị xã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại đơn vị; tuyên truyền tại trụ sở phòng giao dịch và trên hệ thống truyền thanh xã, thị trấn, hướng dẫn các Tổ tiết kiệm và vay vốn bố trí, sắp xếp, chia khách hàng theo các khung giờ, bảo đảm giãn cách, không tập trung quá 10 khách hàng tại từng thời điểm giao dịch. Đồng thời, tăng cường phối hợp với chính quyền, các hội, đoàn thể địa phương nắm bắt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, tổ chức giao dịch an toàn, chung sức cùng cộng đồng ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. 

- Ngân hàng Chính sách xã hội có nhiều đối tượng khách hàng đặc thù, như: Các hộ gia đình, người có hoàn cảnh khó khăn như hộ nghèo, hộ cận nghèo; sinh viên khó khăn; đối tượng chính sách khác... Khảo sát của ngân hàng cũng như thực tế đề nghị vay vốn của khách hàng cho thấy, dịch Covid-19 đã tác động đến những đối tượng đặc thù nêu trên như thế nào, thưa bà?

- Đợt dịch Covid-19 này có tốc độ lây lan nhanh, nhiều nơi xuất hiện ổ dịch nhưng chưa phải giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung vẫn duy trì. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ..., đã và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, lưu thông hàng hóa khiến doanh thu sụt giảm. Có nhiều trường hợp nông sản đến kỳ thu hoạch không tiêu thụ được, nông dân phải bán với giá thấp, chấp nhận lỗ vốn; có trường hợp doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh; một số làng nghề và lĩnh vực sản xuất phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động... nhiều người tạm thời không có việc làm. Để thích ứng với tình hình mới, một số người vay vốn bán hàng ăn uống đã chủ động chuyển sang hình thức bán hàng qua mạng hoặc bán mang về...

Mặc dù năm 2020, thành phố Hà Nội đã rất quan tâm hỗ trợ, chuyển 650 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay các trường hợp này, song mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu vay vốn trên địa bàn. Khảo sát thực tế của Ngân hàng Chính sách xã hội và chính quyền cơ sở cho thấy, hiện nhu cầu vay vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh là rất lớn.

- Bà có thể cho biết, nhu cầu vay vốn hiện tại tập trung nhiều nhất ở những lĩnh vực nào?

- Nhu cầu vay vốn của người dân trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay rất đa dạng, từ các ngành phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung ứng lương thực, thực phẩm, y tế đến các ngành nghề dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu. Bên cạnh đó là các lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe, giao thông - vận tải, du lịch... Tuy nhiên, nhu cầu lớn nhất hiện vẫn là vay vốn để sản xuất nông nghiệp.

Bổ sung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay

- Phục vụ đối tượng khách hàng đặc thù nhằm hướng tới mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ tạo sinh kế, cải thiện đời sống người dân, vừa phải bảo đảm các yêu cầu nghiệp vụ tín dụng, khó khăn của Ngân hàng Chính sách xã hội là gì, thưa bà? 

- Khó khăn lớn nhất của Ngân hàng Chính sách xã hội hiện nay là duy trì thông suốt, bảo đảm an toàn mọi hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng đặc thù của ngân hàng. Đây là mục tiêu hàng đầu chúng tôi đặt ra trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, thời gian qua, dịch Covid-19 đã lan ra nhiều địa phương, nhiều nơi đã phải thực hiện cách ly, phong tỏa, nên một số xã, phường, thị trấn đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tạm dừng hoạt động giao dịch. Vì vậy, tại những địa bàn này, một số người dân có nhu cầu vay đã không được nhận vốn kịp thời. Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tổ chức giao dịch ngay khi chính quyền địa phương thông báo đủ điều kiện thực hiện nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu vay vốn của người dân.

- Vậy, theo bà, đâu là điểm nghẽn cần tháo gỡ về mặt cơ chế, chính sách, giúp hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội và khách hàng giải quyết khó khăn?

- Về cơ chế chính sách, tôi thấy các bộ, ngành cần tham mưu Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do Covid-19, trong đó có chính sách về cho người sử dụng lao động vay để trả lương cho người lao động phải ngừng việc. Ngoài ra, cũng cần ban hành cơ chế xử lý rủi ro riêng cho một số trường hợp gặp phải rủi ro trong sản xuất, kinh doanh do tác động tiêu cực của dịch Covid-19. 

Mặt khác, nguồn vốn tín dụng chính sách trong thời điểm hiện nay rất cần thiết để giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau khi dịch bệnh qua đi. Vì vậy, chính quyền các cấp cần xem xét tiếp tục bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo…

- Trân trọng cảm ơn bà!

Đỗ Minh