Ứng phó với dịch Covid-19: Ngân hàng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp

Tài chính - Ngày đăng : 06:13, 01/06/2021

(HNM) - Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ rơi vào khó khăn. Đồng hành cùng doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ hiệu quả nhằm giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động và phát triển...

Từ đầu năm 2020 đến nay, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 357 nghìn tỷ đồng. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Quan

Thêm chương trình ưu đãi 

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam đầu năm 2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 357 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663 nghìn khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng; cho 456,6 nghìn khách hàng vay mới với lãi suất ưu đãi (tính từ ngày 23-1-2020 đến nay) hơn 3,16 triệu tỷ đồng.

Ngoài những chính sách trên, các ngân hàng thương mại cũng chủ động đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khác, nhằm thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) Lê Đức Thọ, VietinBank vừa đưa ra chương trình “VietinBank SME Stronger 2021 - Sung sức vươn xa” cung cấp giải pháp kết nối cho các doanh nghiệp. Đó là: Gói V-SME1 cung cấp các mức lãi suất ưu đãi, miễn phí và giảm phí giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh; V-SME 2 ưu đãi về chính sách cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ dựa trên đặc thù của ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh; V-SME 3 cung cấp các giải pháp kết nối trong nước và quốc tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường.  

Tương tự, Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank) triển khai chương trình “Nhận vốn vay - Có ngay ưu đãi”. Theo đó, DongA Bank dành 5.000 tỷ đồng cho tất cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh. Lãi suất cho vay giảm 0,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường của DongA Bank. Tỷ lệ cho vay tối đa 80% nhu cầu vay vốn, thời gian phê duyệt hồ sơ nhanh chóng. Việc này thể hiện mong muốn đồng hành cùng khách hàng đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trước ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thực tế, từ đầu năm 2021, hàng loạt ngân hàng thương mại như: Ngoại thương Việt Nam, Đông Nam Á, Đầu tư và Phát triển… đều đưa ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất giúp doanh nghiệp vay vốn kinh doanh.

Luôn sẵn sàng hỗ trợ

Từ góc độ khách hàng, ông Đỗ Quang Nhật, chủ hộ kinh doanh vải lụa tơ tằm truyền thống ở quận Hà Đông cho biết, nhờ nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi của ngân hàng mà hộ kinh doanh của ông đã duy trì được hoạt động trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến khách hàng và đơn hàng giảm sút đáng kể. Còn theo Tổng Giám đốc Công ty ODMG Phạm Chí Dũng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn kéo dài khiến doanh nghiệp dệt may như ODMG gặp không ít khó khăn. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn chương trình hỗ trợ của ngân hàng có lãi suất ưu đãi và dài hơi hơn. 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, sau một năm chịu tác động của dịch Covid-19, tình hình của doanh nghiệp và người lao động hiện rất khác so với năm 2020. Nhiều doanh nghiệp đã không thể trụ được, phải cắt giảm lao động, thậm chí đóng cửa hoặc chuyển sang ngành nghề khác. Người lao động cũng không thể ngồi nhà nhận tiền hỗ trợ mà phải tìm kiếm việc làm mới. Do đó, việc trợ giúp doanh nghiệp và người lao động cũng cần thay đổi theo hướng giúp phục hồi và phát triển thay vì hỗ trợ thanh khoản để cầm cự như một năm trước. Chính sách cần tập trung khuyến khích đầu tư vào những đối tượng, khu vực đang tạo dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế. 

Về vấn đề này, các ngân hàng đều khẳng định sẵn sàng đáp ứng đầy đủ nguồn vốn. Chủ tịch VietinBank Lê Đức Thọ cho hay, ngân hàng luôn ưu tiên phục vụ các ngành, lĩnh vực có thế mạnh, tiềm năng phát triển, các vùng kinh tế trọng điểm là động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước, các nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế như tiêu dùng, xuất - nhập khẩu... Đồng thời, ngân hàng cũng đồng hành, hỗ trợ khách hàng sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, ngành Ngân hàng chủ động phân tích tình hình và đưa ra chính sách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục định hướng điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thanh nga