Đã có hướng giải quyết bất cập trong phòng dịch Covid-19 tại quận Gò Vấp
Đời sống - Ngày đăng : 06:04, 02/06/2021
Khó khăn về quản lý giao thông
Theo quyết định của UBND thành phố Hồ Chí Minh, từ 0h ngày 31-5, toàn bộ quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 phải áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ trong giãn cách phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, qua 2 ngày triển khai, công tác quản lý xuất hiện nhiều bất cập.
Cụ thể, dù chính quyền quận Gò Vấp đã cho triển khai 10 chốt tại các ngả đường ra vào quận, nhưng khi phát sinh tình huống lượng người ra, vào quá lớn để làm việc tại những nơi vẫn được phép hoạt động theo Chỉ thị 16, lực lượng tại chốt trực khó có thể kiểm tra ai là người được qua chốt, dẫn đến tình trạng ùn ứ người và phương tiện kéo dài.
“Quận Gò Vấp rộng 20km2, dân số hơn 663.000 người, nằm giữa các quận đông dân khác của thành phố Hồ Chí Minh. Ngay tại quận Gò Vấp, có nhiều cơ quan, xí nghiệp được phép hoạt động theo Chỉ thị 16, nên lượng người ra vào quận là rất đông. Lực lượng cắm chốt mỏng, không thể quản lý được hết”, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Đỗ Anh Khang thông tin.
Ngoài ra, theo UBND quận Gò Vấp, từ Gò Vấp sang các quận xung quanh như quận 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình, Tân Phú còn vô số tuyến giao thông, ngõ hẻm chằng chịt. Nếu chỉ lực lượng của quận Gò Vấp đảm nhận việc chốt chặn thì rất khó khăn.
Trong khi đó, tính đến hết ngày 1-6, trên địa bàn quận đã có 54 ca nhiễm Covid-19, 4 ca nghi ngờ; 10/16 phường có điểm phong tỏa… Nếu không sớm có biện pháp quản lý người ra, vào quận, sẽ dẫn tới nguy cơ dịch lây lan nhanh và rộng hơn.
Công chức, viên chức Gò Vấp làm việc tại nhà
Trong cuộc họp giữa lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh cùng đại diện các sở, ngành với lãnh đạo quận Gò Vấp, những khó khăn, bất cập đã được nêu ra và có giải pháp cho từng vấn đề.
Thứ nhất, tổ chức giao thông. Ngay trong tối 1-6, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra phương án bố trí phương tiện đi lại qua quận Gò Vấp theo 2 nhóm: Nhóm chỉ được đi qua, không dừng lại và nhóm được lưu thông trong quận Gò Vấp. Cụ thể, với nhóm 1, có 8 tuyến đường cho phép các phương tiện từ các quận 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình, Tân Phú được đi qua quận Gò Vấp để sang địa bàn khác. Suốt hành trình, xe không được dừng đón trả khách. Cùng với đó, Sở Giao thông - Vận tải cũng hướng dẫn các tuyến đường khác để các phương tiện không phải đi qua quận Gò Vấp.
Với nhóm 2, các loại phương tiện vận chuyển các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, vật tư và thiết bị y tế,… được phép lưu thông trên các tuyến đường. Sở Giao thông - Vận tải phối hợp với Sở Công Thương để xác định và tổ chức giao thông cho các loại phương tiện này.
Thứ hai, bố trí chốt chặn tại các ngả đường, ngõ hẻm thông từ Gò Vấp sang các quận khác xung quanh. UBND thành phố Hồ Chí Minh xác định việc này không chỉ thuộc về Gò Vấp mà còn thuộc về các quận 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình, Tân Phú. Phương án giải quyết là giao UBND quận Gò Vấp lựa chọn đặt chốt tại những tuyến đường huyết mạch, bố trí nhân lực đầy đủ, thành phố sẽ hỗ trợ trang thiết bị. Cùng với đó, thống nhất với các quận xung quanh cùng chia sẻ việc lập chốt quản lý người từ Gò Vấp sang địa bàn mình theo nguyên tắc quản lý người ra vào: Chốt lớn linh động, chốt nhỏ thắt chặt.
Thứ ba, cần xác định khu vực nào thực hiện phong tỏa triệt để, đồng nghĩa với việc các hoạt động kinh doanh trong khu vực đó sẽ phải tạm ngưng. Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã có văn bản đánh giá nguy cơ cấp xã, huyện, tỉnh theo các mức, mỗi mức tương ứng với giải pháp phù hợp. UBND quận Gò Vấp có thể căn cứ văn bản này để triển khai thực hiện.
Thứ tư, UBND thành phố Hồ Chí Minh giao UBND quận Gò Vấp nhanh chóng xác định loại hình doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn được phép hoạt động theo Chỉ thị 16, từ đó phối hợp với doanh nghiệp, cơ sở quản lý người lao động từ các địa bàn khác sang Gò Vấp làm việc. Những người này phải đến thẳng nơi làm việc, không được đi sang các khu vực khác của quận Gò Vấp. Riêng công chức, viên chức ngụ tại quận Gò Vấp nhưng làm việc tại các địa bàn khác sẽ được làm việc tại nhà.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, các giải pháp đưa ra nhằm thực hiện "mục tiêu kép" vừa sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Ông nhấn mạnh: “Chống dịch là ưu tiên hàng đầu. Mỗi người dân, doanh nghiệp cần xác định hy sinh chút quyền lợi riêng để chung tay phục vụ lợi ích cộng đồng”.
Tại phường Thạnh Lộc, địa phương cũng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, UBND quận 12 đã thiết lập xong bản đồ số về những cơ sở được phép hoạt động tại đây để người dân tiện tra cứu. Cùng với đó, quận đã thiết lập 48 chốt kiểm soát người ra vào. Tuy nhiên, phát sinh thêm vấn đề là tính đến ngày 1-6, phường Tân Thới Nhất đang trở thành địa phương có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất quận 12, với 12 ca nhiễm, 49 F1, 83 F2 và 5 khu phong tỏa. UBND thành phố Hồ Chí Minh và quận 12 đang tập trung giải quyết các vấn đề mới phát sinh tại đây.