Nhà thơ Vũ Duy Thông: “Ở góc trời kia tôi tự sáng cho mình”
Văn hóa - Ngày đăng : 05:59, 04/06/2021
1. Tôi gặp nhà thơ Vũ Duy Thông lần đầu vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, lúc đang tìm tư liệu viết luận văn thạc sĩ về thơ kháng chiến. Một người bạn ở Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết nhà thơ - nhà báo Vũ Duy Thông, Vụ trưởng Vụ Báo chí, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) bảo vệ luận án Tiến sĩ về thơ kháng chiến và cũng vừa in sách... Một năm sau, khi tôi nhận quyết định công tác tại Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, gặp tôi tại cuộc họp giới thiệu cán bộ mới về cơ quan, Vũ Duy Thông bày tỏ sự ngạc nhiên và đến bắt tay chúc mừng...
Ngoài công việc, anh em tôi có nhiều dịp đàm đạo văn chương. Mỗi khi xuất bản một tập thơ mới anh đều trân trọng ký tặng tôi. Tôi cảm nhận chất “nghệ” là một điểm khá nổi trội trong nhà báo Vũ Duy Thông ngay cả khi đăng đàn báo chí. Thiển nghĩ của tôi đó cũng là một lợi thế, góp phần “cộng hưởng” báo chí - văn chương làm nên sự nghiệp của anh. Điều đó đã làm nên một phong cách Vũ Duy Thông.
2. Hơn 30 năm gắn bó với báo chí, nhưng thơ là niềm đam mê, là một phần đời không thể thiếu của Vũ Duy Thông.
Năm 1966, anh phóng viên trẻ của Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Quảng Ninh đã lăn lộn trên các công trường, mỏ than Hà Lầm, Hà Tu, Cọc 6, Đèo Nai, Uông Bí... để viết tin, bài phản ánh kịp thời không khí lao động, sản xuất, chiến đấu của quân dân vùng mỏ trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Giữa sự khốc liệt của bom rơi, đạn nổ, vùng đất Đông Bắc đã mang đến cho anh bao cảm xúc tươi mới tràn trề. Lúc đó, ngọn đèn lò hiện lên như một tín hiệu nghệ thuật, một tứ thơ độc đáo và anh bật lên những vần thơ trong trẻo, lãng mạn át tiếng bom rơi đạn nổ: "Ngọn đèn lò/ Ấm áp và thầm lặng/ Đưa ta về với than/ Ánh xanh mềm lá trúc/ Ánh đỏ màu lửa bếp/ Đưa ta vào cuộc đời..." (“Ngọn đèn lò”).
Khi công tác ở Phân xã Hà Tĩnh, chứng kiến cuộc sống, chiến đấu của quân dân “chảo lửa” khu 4, anh xúc động viết bài thơ “Bè xuôi sông La”. Bài thơ được làm theo thể thơ 5 chữ, mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh và đặc biệt là cảm xúc tươi mới, trong trẻo dường như không có một chút gợn nào của đạn bom khói lửa: “Bè đi chiều thầm thì/ Gỗ lượn đàn thong thả/ Như bầy trâu lim dim/ Đắm mình trong êm ả/ Sóng long lanh vẩy cá/ Chim hót trên bờ đê/ Ta nằm nghe nằm nghe /Giữa bốn bề ngây ngất/ Mùi vôi xây rất say/ Mùi lán cưa ngọt mát/ Trong đạn bom đổ nát/ Bừng tươi nụ ngói hồng/ Đồng vàng hoe lúa trổ/ Khói nở xòa như bông”.
Hai bài thơ “Ngọn đèn lò” và “Bè xuôi sông La” mang đến cho anh giải Ba cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1969 cùng các nhà thơ Phạm Tiến Duật (giải Nhất); Vương Anh, Phan Thị Thanh Nhàn, Bế Kiến Quốc (giải Nhì); giải Ba cùng Vũ Duy Thông là Vũ Châu Phối...
Năm 1977, nhà thơ Vũ Duy Thông xuất bản tập thơ đầu tiên có tựa đề “Nắng trung du” và khép lại là tập thơ thứ 10: "Con bồ câu tha đi một cọng cỏ" (năm 2012) sau hơn nửa thế kỷ sáng tác. Trước đó gần 10 năm, anh đã trình làng những bài thơ đầu tiên: “Ngọn đèn lò”, “Từ góc phố này”, “Bè xuôi sông La”... Các tập thơ từ “Nắng trung du” đến “Những đám lá đổi màu” (1982), “Tình yêu người thợ” (1987), “Gió đàn” (1989), “Trái đất không chỉ có một người” (1991), “Chối từ cô đơn” (1998), “Một trăm bài thơ” (1999), “Và cuộc đời sẽ cứu rỗi” (2003), “Du ca đời lá” (2006) song hành cùng sự nghiệp báo chí của anh.
3. Nét nhất quán trong thơ Vũ Duy Thông tạo nên phong cách riêng chính là chất thơ hồn hậu, trong trẻo mang hơi thở của cuộc sống, con người được thể hiện chiều sâu nội tâm, ấm áp tình người, tình đời. Trái tim thơ ấy vẫn luôn vẹn nguyên cảm xúc tươi mới kể cả lúc tâm trạng nhà thơ buồn, cô đơn, không bình an. Trong 10 tập thơ đậm chất trữ tình vừa có lúc chậm rãi, lắng suy, vừa có sự đúc kết, triết lý chừng mực, không cao giọng, không lên gân, nhằm gửi vào đó những thông điệp. Thơ anh lưu dấu ấn lâu bền trong lòng bạn đọc là vì thế. Nói như Trịnh Thanh Sơn: “Sự sống vững bền và tươi rói luôn là điều nhà thơ quan tâm. Tất cả sẽ là hư vô nếu không còn sự tươi rói ấy. Biết tôn trọng sự sống, thành tâm tôn thờ sự sống xanh tươi là quan điểm bất di bất dịch trong tư tưởng thơ Vũ Duy Thông”.
Nhà thơ Vũ Duy Thông thường lặng lẽ quan sát, chiêm nghiệm. Thơ có thể cất lên từ bất cứ đâu, có khi trong cuộc họp, lúc đi đường, ngồi quán nước, đêm mất ngủ... Bài thơ nảy ra ngay trong đầu, viết vội vài dòng nguệch ngoạc vào vỏ bao thuốc, từ giấy nháp, trên lòng bàn tay... Mỗi chi tiết nhỏ cũng bật lên thành thơ. Thế nên một ngọn mồng tơi cũng đầy ám ảnh “Một năm, trăm năm, nghìn năm/ Vàng son tan cùng bụi đất/ May còn hớn hở ven rào/ Một ngọn mồng tơi xanh mướt” (“Dây mồng tơi Hoàng thành”). Hình ảnh bồ câu tha cọng cỏ bay ngang đã tạo nên một tứ thơ hay: “Ôi con bồ câu nhỏ/ Nó cắp một cọng cỏ khô/ Bay về một nơi nào đó...”...
Điều dễ thấy ở thơ Vũ Duy Thông là hình ảnh gần gũi, thân thương của quê hương. Đó là miền “Quê xưa khuất nẻo thị thành/ Ao bèo nở tím lạnh tênh ao chùa/ Chuông chùa buông suốt đêm mưa/ Cửa then lạnh ít, giậu thưa lạnh nhiều” (“Quê xưa”), “Làng tôi/ Lắm rơm khô/ Lắm cây ngô/ Dấu chân trâu bò/ Làng tôi/ Tre xác xơ/ Dòng sông trưa/ Ngút sương mờ”... Nhưng hôm nay trong tốc độ đô thị hóa, nhà thơ không khỏi hoang hoải, giật mình bởi: “Tiếng đất lở như bom/ Rung chuyển xóm ngõ/ Bụi tre bụi chuối đổ nghiêng/ Tan tành nhà tầng kiên cố.../ Đêm bình yên mà hơn giặc giã" (“Bãi lở”).
Tình yêu là bạn muôn đời của thi nhân. Vũ Duy Thông không là ngoại lệ. Anh có nhiều bài thơ tình yêu đầy khắc khoải: “Sương thu long lanh/ Ngoằn ngoèo trên lá cây/ Nước mắt sáng trong thời xa xôi/ Em đi qua đời anh/ Như ngọn gió heo may/ Giục những chiếc lá dùng dằng không rơi” (“Sương heo may”). Đến chợ tình Khau Vai, ở vị thế “Ta đi xem người ta yêu nhau” (Việt Phương), anh đồng cảm với khát vọng yêu dữ dội, mãnh liệt ở người đàn ông cô độc giữa Khau Vai, uống rượu một mình chờ “người ấy”: “Uống cho người ấy không yên được/ Dẫu đã chồng con, đã vẹn bề/ Uống cho trăng lặn bên kia núi/ Bật khóc thương người trong cơn mê” (“Khau Vai”). Ngắm phiên chợ tình, anh thao thiết với câu hỏi tương tư: “Em có mua hết những gì anh bán không/ Bán đôi mắt không tìm ai nữa/ Bán nụ cười gặp em bừng nở/ Bán tương tư chưa xa đã buồn” (“Viết ở chợ tình”)...
4. Các tập thơ sau này tuy vẫn là nét hồn hậu đáng yêu, song người đọc thấy có cả nỗi buồn xâm lấn. Nhà thơ gửi vào thơ những triết lý nhân sinh: “Phải rất nhiều cỏ khô mới thành chiếc tổ/ Thành chiếc tổ mới có cuộc trở dạ/ Có cuộc trở dạ mới có tuổi thơ/ Ôi con bồ câu nhỏ/ Tha thẩn ven hồ”. Hoặc có một chút mâu thuẫn: “Thật đau khổ khi phải khóc một mình”, nhưng lại: “Cũng thật hạnh phúc khi còn khóc được”.
Tuổi càng cao, nhà thơ cảm nhận được thời gian là hữu hạn. Tâm trạng này khó thấy ở những tập thơ trước. Vì nắm bắt được quy luật đó, nhà thơ an nhiên đối diện với tuổi tác một cách thành thực nhất: "Tuổi này ngùi ngẫm cuối đường/ Xót chiều nắng lụi, thương sương đầu cành/ Cũng liều bám lấy mong manh/ Kiếp sau đâu chắc chúng mình còn nhau". Và dường như anh đã tiên liệu, dự cảm cho cuộc phiêu du của mình: “Mai sau trên những bãi cồn/ Đừng tìm tôi dưới cỏ non xanh dày/ Bởi tôi đã có phút giây/ Từng theo đàn sếu xoải bay trong mù” (“Mùa thu”)...
Và ngày 28-5-2021 vừa qua, nhà thơ Vũ Duy Thông đã “theo bầy sếu xoải bay trong mù” về miền mây trắng, để lại nỗi tiếc thương trong lòng đồng nghiệp, bè bạn và những người yêu thơ. Xin mượn lời tự bạch của anh để kết lại bài viết này:
".. Ở góc trời kia tôi tự sáng cho mình
Đơn độc ngôi sao, ngọn lửa
Để may ra trong giấc mơ dang dở
Con chuồn kim đỏ thắm lại bay về...”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà thơ, nhà báo Vũ Duy Thông (bút danh Thi Vũ, Duy Vũ) sinh ngày 26-2-1944 tại xã Tự Lập, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc (nay thuộc thành phố Hà Nội). Ông tốt nghiệp khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) năm 1968 và từ đó gắn bó với sự nghiệp báo chí. Ông giữ chức Vụ trưởng Vụ Báo chí, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (1996 - 2005); Phó Tổng Biên tập Website Đảng Cộng sản Việt Nam (2005 - 2009)...
Nhà thơ Vũ Duy Thông được trao giải Ba Cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1969 với 2 bài thơ “Bè xuôi sông La” và “Ngọn đèn lò”; 2 giải thưởng sáng tác dành cho thiếu nhi do NXB Kim Đồng và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức với các tập truyện “Ai là bạn tốt” (1978) và “Về thăm bà nội” (1988)...