Bác sĩ tại nhà: Đau mắt đỏ có thể tự khỏi?
Sức khỏe - Ngày đăng : 14:27, 05/06/2021
Đáp: Mộng mắt rất khác với đau mắt đỏ. Đau mắt đỏ gây ra đỏ mắt toàn bộ trên lòng trắng, mi trên, mi dưới trong khi mộng mắt thì đỏ ở góc trong, có hình tam giác đỏ và nổi cục có đáy quay ra ngoài.
Đau mắt đỏ thường bị cả hai mắt, trong khoảng 3 - 5 ngày và có thể còn kéo dài hơn. Trường hợp có biến chứng viêm giác mạc mắt sẽ đỏ lại, đau nhức, nhìn mờ sau 10 - 15 ngày.
Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là tình trạng viêm nhiễm mắt thường gặp do vi khuẩn, virus hoặc dị ứng gây ra. Bệnh dễ lây qua đường hô hấp, hay tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch dử mắt của người bệnh.
Khi đau mắt đỏ, bạn không nên tự ý điều trị mà trước tiên cần đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt để chẩn đoán đau mắt đỏ nguyên nhân do đâu và có hướng điều trị phù hợp. Theo đó, với đau mắt đỏ do virus, bệnh tự khỏi sau vài ngày. Người bệnh có thể tự chườm lạnh để giảm triệu chứng phù nề, rửa mặt bằng nước muối sinh lý (natriclorit 0,9%) và nhỏ nước mắt nhân tạo. Nếu bị dử mắt, nên đến bác sĩ khám và điều trị.
Nếu đau mắt đỏ do vi khuẩn, bác sĩ sẽ khám - kê đơn thuốc, hướng dẫn điều trị. Với đau mắt đỏ do dị ứng, bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với tác nhân gây bệnh nếu biết; bác sĩ sẽ kê đơn thuốc nhỏ hoặc thuốc uống, nhỏ nước mắt nhân tạo để giảm cảm giác ngứa.
Để phòng tránh đau mắt đỏ, người dân không được dùng chung vật dụng cá nhân trong gia đình và nơi làm việc; không dụi mắt; cần rửa tay thường xuyên; sử dụng dung dịch vệ sinh tay; mang kính bảo vệ mắt khi ra ngoài; bổ sung các chất dinh dưỡng như vitamin C, A, E...
Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh nên nghỉ học, nghỉ làm cho đến khi khỏi hẳn để tránh lây bệnh ra cộng đồng; khi sử dụng thuốc nhỏ mắt, không nên để đầu lọ thuốc chạm vào mắt và lông mi để tránh vi khuẩn bám vào lọ thuốc; rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước và sau khi chạm vào mắt.