Tín hiệu tích cực cho kinh tế toàn cầu
Thế giới - Ngày đăng : 06:35, 05/06/2021
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết, bên cạnh việc bình thường hóa liên lạc trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, Bắc Kinh và Washington còn nhất trí nỗ lực giải quyết một số vấn đề đặc biệt đối với nhà sản xuất và người tiêu dùng. Hai bên bày tỏ mong muốn thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ kinh tế, thương mại song phương.
Phát ngôn tích cực của Bộ Thương mại Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán song phương diễn ra rất thuận lợi. Trong các ngày 27-5 và 2-6, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dẫn đầu đoàn đàm phán Trung Quốc đã có các cuộc hội đàm với Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Theo đó, hai bên đã trao đổi quan điểm trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau về nhiều vấn đề, trong đó có quan hệ thương mại song phương, kinh tế vĩ mô, chính sách đối nội.
Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ và Trung Quốc thường xuyên tranh chấp về kinh tế, thương mại, gây tổn hại cho cả hai bên. Khoảng 2/3 lượng hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ giai đoạn 2019-2020 (tương đương 370 tỷ USD) bị áp thuế suất 25%. Ngược lại, tranh chấp thương mại Mỹ - Trung đã khiến khoảng 245.000 người Mỹ bị mất việc làm.
Căng thẳng giữa hai bên "giảm nhiệt" từ tháng 1-2020 bởi đây là thời điểm Washington và Bắc Kinh ký thỏa thuận thương mại giai đoạn I. Theo đó, Trung Quốc sẽ nhập khẩu thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong các năm 2020 và 2021. Bù lại, mức thuế 15% được áp dụng từ ngày 1-9-2019 lên 120 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ giảm xuống mức 7,5%.
Kết quả là, năm 2020, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đạt 586,7 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2019 - mức cao nhất trong 5 đối tác hàng đầu của Trung Quốc. Trong 4 tháng đầu năm 2021, bất chấp đại dịch Covid-19, tổng giá trị thương mại Mỹ - Trung vẫn tăng 50,3%, đạt 224,8 tỷ USD. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng 49,3%, nhập khẩu từ Mỹ tăng 53,3%...
Washington hiện đang xem xét chính sách thương mại Mỹ - Trung trước khi thỏa thuận giai đoạn I hết hạn vào cuối năm nay. Cùng với đó, Mỹ cũng dự kiến gỡ bỏ một số rào cản đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có việc đưa Công ty công nghệ Xiaomi ra khỏi danh sách công ty liên quan tới quân đội Trung Quốc và cho phép công dân Mỹ sở hữu cổ phần của công ty này.
Động thái trên cho thấy Mỹ đang muốn xây dựng một mối quan hệ thương mại bền vững với Trung Quốc. Sự ổn định trong quan hệ song phương giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ có lợi cho thương mại toàn cầu, trước tiên là chấm dứt tình trạng xáo trộn chuỗi cung ứng - sản xuất trên thế giới. Điều này càng cần thiết trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây ra nhiều hệ lụy, trong đó có việc thiếu hụt linh kiện bán dẫn - mặt hàng mà Mỹ và Trung Quốc đều là nhà cung cấp chủ lực.
Có thể thấy, Washington chưa có ý định dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc trong tương lai và Bắc Kinh cũng mới chỉ mua 60% lượng hàng hóa Mỹ theo cam kết của thỏa thuận giai đoạn I. Tuy nhiên, việc hai cường quốc bình thường hóa liên hệ về kinh tế, thương mại là tín hiệu tích cực đối với triển vọng phục hồi nền kinh tế toàn cầu.