Hà Tây: Khu công nghệ cao hóa thành... trang trại
Giới trẻ - Ngày đăng : 09:39, 03/01/2005
Ngôi nhà sàn và trang trại rộng gần 6.000m2 của hộ ông Nguyễn Thanh H. tại Tân Xã, Thạch Thất, nằm trong 200ha đang thu hồi để xây dựng khu công nghệ cao
Đất “công nghệ cao”: ai bán, ai mua?
Tháng 10-1998, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập khu công nghệ cao, đồng thời phê duyệt qui hoạch tổng thể dự án trên diện tích 1.650ha tại khu vực Hòa Lạc. Theo quyết định trên, bước 1 - giai đoạn I của dự án sẽ triển khai trên diện tích 200ha đất thu hồi của năm xã thuộc huyện Thạch Thất (Hà Tây), gồm Hạ Bằng, Thạch Hòa, Tân Xã, Bình Yên và Cổ Đông.
Trước thời điểm trên, Hòa Lạc là khu vực được tỉnh Hà Tây khuyến khích dân đi xây dựng kinh tế mới, tiến hành khai hoang và trồng chè. Mỗi hộ dân diện kinh tế mới được giao 5.000m2, trong đó có 200m2 để ở. Tuy nhiên, khoảng 1992-1993 đã xuất hiện tình trạng một số hộ dân khu kinh tế mới tự ý chuyển nhượng diện tích đất được giao, thậm chí bán cả đất trồng rừng. Tình hình mua bán, chuyển nhượng đất trái phép, giao đất trái thẩm quyền, tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất dịch vụ hoặc xây nhà trái phép nơi đây diễn ra rất phức tạp.Nổi lên trong đó là vụ ông Phùng Văn Đính, nguyên phó ban, và ông Cấn Văn Bổ, cán bộ Ban quản lý dự án kinh tế mới Hòa Lạc, đã tự ý ký biên bản giao đất cho 26 hộ dân trên diện tích 180.247m2, đồng thời ký biên bản giao đất không đúng đối tượng cho bà Đào Tuyết Mai (trú tại ngách 19/9 Kim Đồng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) 5.000m2 đất trong khu Khoang Dong, xã Tân Xã. (Ông Đính đã bị khởi tố trong một vụ án khác liên quan đến thực hiện chương trình 327).
Kế đến là vụ ông Kiều Hữu Triệu, trưởng Ban quản lý dự án kinh tế mới Hòa Lạc (hiện là phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tây), tự ý cho tách hộ trường hợp Giang Thế Nam (sinh năm 1973, chưa có gia đình riêng), đồng thời trực tiếp ký một biên bản giao đất lưu không. Nguyễn Tiến Xuân, cán bộ Ban Quản lý dự án kinh tế mới (hiện là cán bộ Phòng NN&PTNT Thạch Thất) đã sao chụp chữ ký của ông Triệu để làm giả giấy tờ giao 5.000m2 đất cho Giang Thế Nam. Xuân cũng đã dùng biên bản giao đất lưu không để giao 13.000m2 đất tại khu Gò Hiệp, xã Tân Xã cho ông Nghiêm Xuân Tuệ, khi đó là vụ phó Vụ Quan hệ quốc tế - Bộ LĐ-TB&XH (nay ông này là giám đốc Văn phòng điều phối các dự án quốc tế của LHQ). Ngoài ra, Nguyễn Tiến Xuân còn chụp chữ ký của “sếp” Triệu lên một số biên bản giao đất “dỏm” và tự mình điền vào nội dung giao đất cho nhiều hộ khác.
Kết quả kiểm tra cho thấy từ 1993 đến tháng 4-2004 UBND bốn xã Hạ Bằng, Tân Xã, Bình Yên và Thạch Hòa đã xác nhận mua bán, chuyển nhượng đất cho 250 trường hợp với diện tích 537.699m2 nằm trong phạm vi qui hoạch khu công nghệ cao. Người mua thì... đủ cả: cán bộ các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp (DN) nhà nước và tư nhân, người từ Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… Việc mua bán đất thể hiện dưới hình thức giấy viết tay, được UBND xã xác nhận. Riêng đối tượng mua đất từ Hà Nội lên đông nhất - tới 149 trường hợp, trong đó 70 người là cán bộ, nhân viên đang công tác, gồm 13 trường hợp ở các bộ ngành, 30 trường hợp ở các viện nghiên cứu, trường đại học, trường THPT, sáu trường hợp ở các cơ quan báo, đài, 12 trường hợp ở các DN, bảy trường hợp ở các bệnh viện, viện y học...
Đáng lưu ý, khi cơ quan chức năng kiểm tra hồ sơ của 60 trường hợp mua bán 374.680m2 đất (phần lớn nằm trong khu 200ha của giai đoạn 1 - dự án khu công nghệ cao), đã xác định có hai trường hợp là người công tác tại các ban đảng (8.193m2), 13 trường hợp công tác tại bộ ngành (118.927m2), 13 trường hợp công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội (32.212m2), 8 giáo viên và bác sĩ (82.347m2), 6 trường hợp ở DN nhà nước và tư nhân (68.789m2)...
Đặc biệt, cơ quan chức năng còn trực tiếp kiểm tra đối với 21 trường hợp khác (trong số 250 trường hợp mua bán đất ở khu công nghệ cao), đã xác định 2 trường hợp người mua công tác tại Ban bảo vệ chính trị nội bộ, 7 trường hợp công tác tại các bộ ngành, 9 trường hợp ở Đại học Quốc gia Hà Nội, 3 trường hợp công tác ở viện nghiên cứu, viện y học hoặc giáo viên THPT... Có hai hộ của bà Văn Thùy Dương và ông Nghiêm Xuân Tuệ đã xây dựng thành những khu nhà nghỉ khang trang, còn 19 hộ khác đầu tư làm các vườn cây, trang trại.
Cho DN thuê đất để… trồng cây trong khu công nghệ cao!
Sau khi Thủ tướng phê duyệt qui hoạch chuỗi đô thị Miếu Môn -Xuân Mai - Hòa Lạc - Sơn Tây (tháng 6-1997, trong đó có khu công nghệ cao), tháng 10-1997 UBND tỉnh Hà Tây lại cho Công ty TNHH Toàn Thắng thuê 10ha đất ở khu Khoang Dong, thôn Vực Giang, xã Hạ Bằng để trồng cây ăn quả. Điều đáng nói ở chỗ Công ty Toàn Thắng không có chức năng “trồng cây ăn quả”, chưa có giấy đăng ký hoạt động chi nhánh tại Hà Tây và khu đất được giao cho DN này nằm trong qui hoạch của khu công nghệ cao.
Chưa hết, đến tháng 8-2001, Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Hà Tây đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho DN tư nhân Lợi Lộc và đến tháng 4-2002 cấp cho chi nhánh I - Công ty cổ phần Thiên Đức được đặt trụ sở ngay trong... khu công nghệ cao. Thực tế, hai DN này đã lợi dụng việc buông lỏng quản lý đất đai của địa phương để nhận ủy quyền sử dụng đất có nguồn gốc không rõ ràng, lấn chiếm đất công với diện tích lớn, tự mua bán chuyển nhượng đất trái phép..., sau đó được UBND hai xã Thạch Hòa, Tân Xã xác nhận để từ đó Phòng đăng ký kinh doanh cấp phép...
Sau khi đánh giá các vi phạm trên, cơ quan chức năng một mặt kiến nghị xem xét về trách nhiệm đối với hàng loạt cá nhân, cơ quan thuộc Ban quản lý dự án khu công nghệ cao, UBND và các cơ quan hữu quan tỉnh Hà Tây, huyện Thạch Thất cũng như chính quyền bốn xã nằm trong khu dự án. Mặt khác, cơ quan chức năng cũng kiến nghị chuyển hồ sơ để xem xét truy cứu hình sự đối với một số vụ việc vi phạm các qui định quản lý, sử dụng đất đai, điển hình là vụ cho Công ty TNHH Toàn Thắng thuê đất trong khu dự án; vụ Công ty Thiên Đức - chi nhánh 1 lấn chiếm đất công, mua bán đất trái phép; vụ ông Nguyễn Tiến Xuân lợi dụng chức quyền, giả mạo giấy tờ để hợp thức việc mua bán đất trái phép.
Theo TT