Tạo sức bật cho kinh tế Thủ đô

Kinh tế - Ngày đăng : 06:16, 24/12/2022

(HNM) - Những ngày cuối năm, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đang nỗ lực sản xuất để đáp ứng các đơn hàng và hoàn thành mục tiêu, kế hoạch sản xuất, kinh doanh đặt ra trong năm 2022. Cùng với sự hỗ trợ của thành phố, các doanh nghiệp đã và đang đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt để mở rộng thị trường, tăng giá trị xuất khẩu với nỗ lực tạo sức bật cho kinh tế Thủ đô tăng trưởng.

Dây chuyền sản xuất đồ gia dụng tại nhà máy của Tập đoàn Sunhouse (Cụm công nghiệp Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai). Ảnh: Phương Nhi

Nỗ lực hoàn thành các đơn hàng cuối năm

Tại Nhà máy Sunhouse, thuộc Tập đoàn Sunhouse (Cụm công nghiệp Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai), không khí sản xuất những ngày cuối năm đang diễn ra hối hả. Các dây chuyền sản xuất đồ gia dụng, như: Nồi inox, chảo chống dính, nồi cơm điện… được vận hành hết công suất. Theo Trưởng phòng Hành chính nhân sự khối nhà máy Lê Hồng Kỷ, nhà máy hiện có gần 2.000 lao động. Nhờ giải pháp vừa phòng, chống dịch Covid-19 linh hoạt, vừa khôi phục sản xuất, năm 2022, doanh nghiệp có đơn hàng dồi dào, bảo đảm người lao động có thu nhập ổn định khoảng 10 triệu đồng/người/tháng và thưởng tháng lương thứ 13. Giám đốc chiến lược Tập đoàn Sunhouse Lê Tùng thông tin thêm, năm 2022, Sunhouse đặt mục tiêu tăng trưởng 20% so với năm 2021. Tính đến hết tháng 11-2022, tập đoàn đã thực hiện gần 90% kế hoạch. Sunhouse kỳ vọng vào kết quả kinh doanh tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sẽ giúp đơn vị hoàn thành mục tiêu.

Trên địa bàn huyện Gia Lâm, các doanh nghiệp công nghiệp cũng đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành kế hoạch năm 2022.

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hanopro Việt Nam (Khu công nghiệp Hapro, xã Lệ Chi) Tạ Thị Hạnh chia sẻ, với sản phẩm bao bì đóng gói thực phẩm, bình quân mỗi tháng doanh nghiệp cung ứng cho thị trường 900 tấn hàng, tăng 28% so với năm 2021. Trong đó, sản phẩm tiêu thụ ở thị trường nội địa chiếm 75%, xuất khẩu chiếm 25%. Để phục vụ nhu cầu sản xuất theo đơn hàng, công ty đầu tư hơn 50 tỷ đồng thiết bị mới. Còn Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hãng sơn Đông Á (thị trấn Yên Viên) Nguyễn Quốc Quyền thông tin, để bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 300 lao động, công ty đã lên kế hoạch sản xuất sản phẩm mới. Dịp Tết này, cùng với tháng lương thứ 13, người lao động sẽ có thêm tiền thưởng và quà Tết.

Tương tự, với sự hỗ trợ của huyện Quốc Oai và Sở Công Thương Hà Nội, Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Xuất nhập khẩu Dương Kiên (xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai) tham gia vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nên đã có bước phát triển vững vàng với mức tiêu thụ tăng hơn 2,5 lần. Theo Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Xuất nhập khẩu Dương Kiên Dương Đình Khôi, là đơn vị chuyên sản xuất nông sản sạch, doanh nghiệp đã ký kết hợp tác với đối tác Nhật Bản để xuất khẩu sản phẩm. Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, công ty đang hối hả sản xuất, đưa ra thị trường khoảng 25.000 túi quà Tết, gồm miến dong, mộc nhĩ, nấm hương, hạt tiêu, măng khô…

Đóng gói sản phẩm tại Công ty TNHH Hanopro Việt Nam (Khu công nghiệp Hapro, huyện Gia Lâm).

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Từ góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn thông tin, hoạt động sản xuất trên địa bàn đã có sự phục hồi rõ nét. Trong năm 2022, huyện đang có 1.419 doanh nghiệp hoạt động. Để hỗ trợ doanh nghiệp có thêm mặt bằng sản xuất, huyện thường xuyên đôn đốc chủ đầu tư 3 cụm công nghiệp (Tân Hòa, Nghĩa Hương, Ngọc Mỹ - Thạch Thán) đẩy nhanh tiến độ đầu tư.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng, trên địa bàn huyện có 4.185 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và các tỉnh lân cận. Năm 2022, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã đóng góp vào ngân sách hơn 2.400 tỷ đồng, góp phần đưa giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý tăng 10,52%, bằng 2,28 lần mức tăng trưởng năm 2021; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 5.100 tỷ đồng, bằng 182,5% năm 2021...

Theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, năm 2022 là năm tiêu biểu cho sự hồi phục kinh tế cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Trong đó, ngành Công nghiệp Thủ đô đã có những bước tiến đáng kể. Tính chung 11 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9%. Bên cạnh đó, trong 11 tháng, Hà Nội có 27,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021; vốn đăng ký đạt 312,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4%.

Trước những khó khăn mà doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt, như: Lãi suất vốn vay tăng, đơn hàng giảm do ảnh hưởng của lạm phát cao ở nhiều thị trường xuất khẩu lớn…, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã khẳng định tinh thần “đồng hành cùng doanh nghiệp”, “coi việc của doanh nghiệp như việc của mình” để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc.

Đặc biệt, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hà Nội chủ động có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Cục Thuế thành phố Hà Nội nắm bắt kịp thời khó khăn của doanh nghiệp để đề xuất biện pháp tháo gỡ, tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động đối thoại với doanh nghiệp, giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; quyết liệt cải cách hành chính, phối hợp để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư, tiếp cận nguồn vốn... tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phục hồi, phát triển, tạo sức bật cho kinh tế Thủ đô tăng trưởng.

Hải Dương