Đích đến là thị trường
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:11, 07/06/2021
Cùng với đó, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng chuỗi cung ứng, kết nối sản xuất - lưu thông - tiêu thụ nông sản trong nước vẫn cơ bản được duy trì, không bị đứt gãy. Qua đó cho thấy, ngành Nông nghiệp đã chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó theo từng cấp độ dịch bệnh. Các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người sản xuất đã chung sức, liên kết trong việc tìm đầu ra cho nông sản với những giải pháp căn cơ, bền vững.
Có thể nói, tình trạng thiếu ăn khớp giữa sản xuất và tiêu thụ, cộng với những bất cập trong tổ chức sản xuất, dự báo cung - cầu, xúc tiến thương mại, xác định kênh phân phối... dẫn đến điệp khúc “giải cứu” nông sản trong 3 đợt bùng phát dịch Covid-19 trước đây đã được khắc phục đáng kể.
Trong thời điểm Bắc Giang đang trong đỉnh dịch, những lô vải thiều của địa phương này vẫn được làm thủ tục để “lên đường” sang thị trường “khó tính” Nhật Bản. Cùng với sự hỗ trợ hiệu quả của các bộ: NN&PTNT, Công Thương, Bắc Giang đã xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều trong điều kiện có dịch Covid-19. Theo đó, kịch bản “xấu” nhất, nếu hoạt động xuất khẩu đóng băng, toàn bộ sản lượng 180.000 tấn niên vụ 2021 sẽ được tiêu thụ tại thị trường nội địa. Rất may, kịch bản này đã không xảy ra, và hiện Bắc Giang đang nỗ lực thực hiện kịch bản 2 (dịch diễn biến phức tạp, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát): 70% tiêu thụ trong nước, 30% xuất khẩu. Đây chính là “trái ngọt” của việc xây dựng chiến lược bài bản cho quả vải thiều của Bắc Giang với quan điểm: Đích đến là thị trường. Nói cách khác là tổ chức lại hệ thống sản xuất, cung ứng vải thiều đáp ứng đúng yêu cầu của từng thị trường cụ thể: Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Australia, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Trung Đông.
Và để hóa giải “lời nguyền” (từ dùng của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan) - được mùa rớt giá, giải cứu nông sản, trước hết, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần sớm hoàn thiện quy hoạch vùng sản xuất, có chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tại các vùng sản xuất, từ đó nâng cao giá trị, để nông sản có thể tiêu thụ trong mọi tình huống.
Mặt khác, cùng với việc đưa công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất an toàn; truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ đó, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước cũng như tiêu chuẩn của các nhà nhập khẩu. Chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, đa dạng hóa kênh phân phối và thị trường xuất khẩu, xây dựng thương hiệu cho các nông sản chủ lực của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Về phía người nông dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp sản xuất, bảo quản, chế biến, tiếp thị, phân phối nông sản, cần tăng cường liên kết để hoạt động theo mô hình chuỗi giá trị. Qua đó, giảm giá thành sản xuất, chi phí vận chuyển, bảo quản, thúc đẩy tiêu thụ.
Không chỉ đơn thuần là con số tăng trưởng xuất khẩu 5 tháng đầu năm, việc tìm được đầu ra cho nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 còn mang lại kết quả tích cực, giàu ý nghĩa hơn. Vì đây chính là “cú hích” để Việt Nam chuyển mình từ nền sản xuất nông nghiệp sang nền kinh tế nông nghiệp, với đích đến là thị trường. Chỉ khi bảo đảm được chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm gắn với tổ chức các kênh tiêu thụ một cách hiệu quả, nông sản Việt Nam mới có thể đứng vững trên thị trường nội địa và quốc tế.