Đồng bộ các giải pháp phân loại chất thải rắn sinh hoạt

Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 07:38, 07/06/2021

(HNM) - Nhằm đem lại môi trường sống trong đô thị ngày càng tốt hơn, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra một số quy định mới và giải pháp trong quản lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn... hướng tới xử lý rác thải triệt để hơn và hiệu quả hơn. Đáng chú ý, thành phố Hồ Chí Minh hạn chế tối đa và tiến tới không sử dụng túi ni lông khó phân hủy để lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại và thay thế bằng túi dễ phân hủy, bao bì thân thiện môi trường.

Thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích người dân phân loại rác thải từ nguồn để bảo vệ môi trường. Ảnh: Thiện An

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh 9.000-11.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong khi đó công tác quản lý, thu gom rác hiện tồn tại nhiều bất cập, nhất là việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Nguyên nhân chủ yếu do công tác tuyên truyền chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả không cao, tỷ lệ người dân tham gia phân loại chất thải rắn sinh hoạt đạt thấp; công tác thu gom, vận chuyển gặp nhiều thách thức khi phần lớn người dân có thói quen bỏ rác tổng hợp trước cửa nhà, trên vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị. Đáng nói, công tác quản lý lực lượng thu gom rác dân lập ở một số quận, huyện chưa chặt chẽ; trang thiết bị thu gom còn thô sơ, dẫn đến rò rỉ nước và rác thải ra môi trường; công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn sử dụng phương pháp chôn lấp làm phát sinh mùi hôi...

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, thành phố đã có nhiều thay đổi về chính sách, tuyên truyền để người dân tham gia phân loại rác thải từ nguồn dễ dàng hơn, khoa học hơn. Nếu như trước đây, các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt phải phân loại thành 3 nhóm gồm: Nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, rau, củ, quả…); nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhựa, kim loại, ni lông, thủy tinh…) và nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải)... thì ngày 4-5 vừa qua, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định sửa đổi cách phân loại rác.

Theo đó, các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt chỉ phân loại thành 2 nhóm gồm: Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải). Chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại phải được lưu chứa trong bao bì (túi) hoặc thiết bị lưu giữ (thùng) riêng biệt, có dấu hiệu nhận biết loại chất thải. Bao bì phải được buộc kín, thiết bị lưu giữ phải có nắp đậy kín để bảo đảm không phát tán mùi và có dán biển cảnh báo thông tin trên thân thùng.

Việc UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 09/2021/QĐ-UBND ngày 4-5-2021 về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố... đã giúp cho quá trình phân loại, thu gom và xử lý rác thải hiệu quả, ý thức người dân cũng được nâng lên rõ rệt. Bà Lê Mộng Thúy (ngụ hẻm 68 Út Tịch, phường 4, quận Tân Bình) cho hay: “Nhà tôi phân loại chất thải hữu cơ như rau củ quả, thức ăn thừa vào một thùng rác riêng, thùng còn lại là các loại rác tái chế như giấy, nhựa, ni lông… Tôi thấy cách này dễ thực hiện hơn trước đây”, bà Thúy chia sẻ.

PGS.TS Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Viện Nước và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, để góp phần giải quyết vấn đề này, thành phố cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, tác động về ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn và nguy cơ xảy ra nếu không phân loại để người dân hiểu cũng như thực hiện.

Về việc xử lý chất thải rắn trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết, thành phố quy định cụ thể số lượng, thành phần nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế theo lộ trình để UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy đối với môi trường đến người dân nhằm thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy, thay thế bằng sản phẩm thân thiện môi trường.

Minh Tuấn