Chuột rút và cách phòng tránh
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:47, 07/06/2021
Theo các chuyên gia y tế, chuột rút là tình trạng co thắt cơ đột ngột ngoài ý muốn, gây đau dữ dội ở một bắp thịt, làm cho người bị không tiếp tục cử động được. Mọi bắp thịt đều có thể bị chuột rút, nhưng bệnh hay xảy ra ở bắp chân, đùi, bàn tay, bàn chân và cơ bụng. Chuột rút thường xảy ra sau các tư thế co chân, co tay, khi ngủ và cả khi cơ thể gắng sức.
Có hai loại chuột rút là tự phát và bệnh lý. Với chuột rút tự phát, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc lao động vất vả vào ban ngày là nguyên nhân gây ra việc bị chuột rút vào ban đêm (gồm cả những người hay vận động, chơi thể thao). Việc hoạt động nhiều khiến cơ thể bị mất muối do đổ mồ hôi khiến giảm nồng độ kali, magie, natri, canxi trong máu dẫn đến chuột rút. Chuột rút bệnh lý, thường xảy ra nhiều ở người mắc bệnh tiểu đường, parkinson, thiếu máu, bệnh tuyến giáp, bệnh thận, rối loạn tuần hoàn, bệnh giãn tĩnh mạch.
Do đó, để tránh bị chuột rút, mọi người nên uống nước đầy đủ, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể và hạn chế dùng các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia. Trước khi tập luyện thể thao mọi người cần khởi động cơ thể và thư giãn cơ bắp sau mỗi lần tập.
Nếu bị chuột rút ở bắp chân thì kéo chân ra, đồng thời ấn mạnh phần cuối của bắp chân trên một mặt phẳng cứng. Nếu chuột rút ở đùi, nhờ người khác dùng một tay đỡ gót chân để làm cho đầu gối của mình căng thẳng, còn một tay ấn đầu gối xuống dưới. Sau đó xoa bóp vùng bị chuột rút.