Cùng bảo vệ trẻ trên môi trường mạng

Đời sống - Ngày đăng : 06:13, 08/06/2021

(HNM) - Trào lưu đăng ảnh con, khoe thành tích của con... trên mạng xã hội khá phổ biến. Đằng sau việc làm tưởng bình thường này tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy có thể gây nguy hại cho trẻ nhỏ. Ngày 1-6-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025", trong đó có mục tiêu "thực hiện các giải pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi xâm hại", thể hiện quyết tâm bảo vệ trẻ em trước những nguy hiểm rình rập trên môi trường mạng.

Người lớn cần sử dụng mạng xã hội phù hợp để bảo đảm an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng.

Những hệ lụy nguy hiểm

Cho đến giờ, khi nhắc lại câu chuyện một năm trước về việc khoe thành tích học tập của con gái lớp 8 lên Facebook, chị Nguyễn Thu An, ở phố Quốc Tử Giám (quận Ba Đình), vẫn chưa hết buồn lòng. Do quá phấn khởi về kết quả học tập cuối kỳ của con, chị Thu An chụp và đưa cả danh sách lớp học lên Facebook khiến một số phụ huynh có con bị điểm thấp đã lấy thành tích của con gái chị để so sánh, răn dạy con của họ. Hậu quả là nhiều bạn trong lớp đã cho rằng con gái chị An là nguyên nhân khiến các cháu bị gia đình chê trách. Vì việc này mà con gái chị An đã từng bị suy sụp tinh thần, có tâm lý chán nản khi đến lớp.

Chia sẻ vấn đề này, bà Lê Thị Bích Dung, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Newton (quận Bắc Từ Liêm) cho rằng, tâm lý cha mẹ có con học giỏi, có chút năng khiếu nghệ thuật thường chia sẻ lên mạng xã hội để "khoe" thành tích. Chính việc làm tưởng như vô hại này lại trở thành sức ép rất lớn cho cả bố mẹ và con trẻ. Bố mẹ sẽ luôn ép con phải gồng mình để chạy theo thành tích ảo người lớn đặt ra. Với các con, được khen ngợi sẽ xuất hiện tâm lý luôn phải cố gắng đạt thành tích cao hơn nữa. Nguy hiểm nhất là nội dung chia sẻ có thông tin họ tên, lớp học, địa chỉ... kèm một vài hình ảnh con trẻ có thể bị kẻ xấu lợi dụng.

Còn theo cung cấp của Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm, gần đây, nhiều phụ huynh phản ánh đã có hiện tượng một số đối tượng xấu biết đến các em thông qua những hình ảnh mà phụ huynh "khoe" trên mạng. Từ đó, chúng tìm cách lôi kéo bằng việc nhắn tin mời trẻ tham dự các cuộc thi sắc đẹp trẻ em, yêu cầu gửi ảnh khỏa thân hoặc bán khỏa thân để kiểm tra trên cơ thể có khiếm khuyết gì không. Nhiều trẻ em đã vô tư chia sẻ hình ảnh cá nhân cho các đối tượng lừa đảo này dẫn đến những hậu quả khôn lường. Nguy hiểm hơn, vì ở lứa tuổi nhận thức chưa chín chắn nhưng lại thích thể hiện nên nhiều em bắt chước các trào lưu, trò chơi nguy hiểm trên mạng.

Một sự kiện ngoại khóa với chủ đề “Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” được tổ chức tại Trường Trung học cơ sở Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm), tháng 6-2020. Ảnh: Nhi Dung

Xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (đường Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng) cho rằng, việc khoe con trên mạng xã hội của người lớn vô tình cung cấp thông tin cho tội phạm thực hiện hành vi xâm hại trẻ hoặc ý đồ xấu khác. Cơ quan công an cũng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về hệ lụy của việc các bậc phụ huynh khoe thành tích con trẻ trên mạng.

Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Thị Nga thông tin, Luật Trẻ em năm 2016 (có hiệu lực từ 1-7-2017) quy định sẽ phạt đến 50 triệu đồng nếu đăng thông tin, hình ảnh của trẻ em trên 7 tuổi lên mạng mà không được sự đồng ý của các em. Ngoài ra, hiện có nhiều quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được thực thi. Bà Nguyễn Thị Nga khuyến cáo, phụ huynh nên tìm hiểu kỹ các quy định liên quan tới trẻ em để tránh vi phạm và để bảo vệ các con tốt hơn. Trong trường hợp bị đăng tải thông tin, hình ảnh trên mạng và gặp bất lợi, Cục Trẻ em khuyến cáo trẻ em có thể gọi điện đến Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 để nhận được sự trợ giúp và bảo vệ kịp thời. 

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Hoàng Minh Tiến cho hay, Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025" đã thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ nhằm xây dựng, duy trì một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Thực hiện chủ trương này, các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý; truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng tiếp cận mạng xã hội cho trẻ. Chương trình cũng đặt ra yêu cầu tiếp nhận, phân loại, chuyển xử lý kịp thời những phản ánh, vấn đề phát sinh đối với trẻ em trên môi trường mạng. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật nhằm giám sát, chặn lọc việc truy cập các nội dung vi phạm pháp luật, không phù hợp với học sinh theo từng lứa tuổi...

Sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm cao của các bộ, ngành, địa phương cùng các tổ chức chính trị - xã hội và nhất là ý thức của các bậc phụ huynh sẽ tạo ra "lá chắn" đủ mạnh bảo vệ một cách toàn diện, hình thành hành vi sử dụng mạng xã hội phù hợp, an toàn cho trẻ em.

Dung - Hiệp