Đầu tư nước ngoài tăng bất chấp đại dịch
Kinh tế - Ngày đăng : 10:38, 08/06/2021
Có thể kể tên một số dự án quy mô lớn, tiêu biểu gồm dự án trị giá 475 triệu USD của Intel (Mỹ), dự án mở rộng sản xuất của LG Display (Hàn Quốc) với số vốn 750 triệu USD... Và thời điểm này, những nhà đầu tư giàu tiềm năng, có thế mạnh về công nghệ và vốn như Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục đổ vốn, triển khai những dự án mới tại Việt Nam.
Dư luận quốc tế đánh giá kết quả trên rất đáng ghi nhận, bởi thu được trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn hoành hành tại khắp các châu lục, gây ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế toàn cầu, nhất là ở các nước phát triển - vốn là những đối tác đầu tư quan trọng. Thực tế này cũng cho thấy, Việt Nam vẫn duy trì được hình ảnh, sức cạnh tranh của mình. Giới đầu tư EU, Nhật Bản, Mỹ... cũng thừa nhận Việt Nam là địa chỉ đầu tư hấp dẫn, ưu tiên lựa chọn hàng đầu trong khu vực ASEAN đối với mục tiêu trung và dài hạn của họ.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, sở dĩ Việt Nam duy trì được kết quả thu hút đầu tư tốt ngay trong hoàn cảnh khó khăn là do có một số lợi thế vượt trội. Đó là, chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh ngày càng cải thiện qua thời gian, sự ổn định về tình hình xã hội, chính trị; khả năng chống chịu của nền kinh tế cũng nâng lên một bước bên cạnh tiềm năng về con người, thị trường, tốc độ tăng trưởng cao và liên tục...
Đánh giá thêm về vấn đề này, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, năng lực và kết quả tích cực trong phòng, chống dịch Covid-19 của nước ta đã được chứng minh và là điểm sáng nên ngày càng được thế giới thừa nhận. Từ đó, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín quốc gia với nhà đầu tư; khẳng định vị thế của Việt Nam luôn là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Cũng chính nhờ sự ổn định và khả năng chống dịch tốt mà nhà đầu tư ngày càng an tâm với tương lai dự án của mình, dồn sức triển khai để tranh thủ thời gian, phát huy hiệu quả đồng vốn đầu tư. Minh chứng là lượng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân trong 5 tháng qua đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Ngoài ra, không ít dự án dù đã đi vào hoạt động cũng quyết định điều chỉnh tăng thêm vốn để mở rộng sản xuất. Điều này thể hiện niềm tin vào tương lai hoạt động tại Việt Nam của nhà đầu tư nói chung.
Hầu hết nhà đầu tư cũng tỏ rõ quan điểm, mong muốn đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông tại Việt Nam, ông Michael Chiu thì Việt Nam đã thu được kết quả tốt trong phòng, chống dịch Covid-19 dù nguồn lực hạn chế, được thế giới đánh giá cao. Việc duy trì được sự tăng trưởng kinh tế ngay trong khi ứng phó với đại dịch thể hiện tinh thần chủ động, điều hành có hiệu quả và tình hình đang diễn ra theo một quỹ đạo tích cực.
Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng, Việt Nam đang có một số lợi thế cạnh tranh trong thu hút vốn nước ngoài. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã mang lại nhiều lợi thế cho Việt Nam, nhất là xét trong việc tiếp cận các thị trường giàu sức mua và hàng xuất khẩu được hưởng thuế suất thấp hoặc bằng 0%.
Dự báo về tình hình đầu tư nước ngoài thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, nhìn chung Việt Nam vẫn có “cửa sáng” trong thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế nhờ vị thế sáng giá của mình; chủ yếu thông qua sự ổn định về chính trị, xã hội; sự hoàn thiện hệ thống pháp luật và kết quả cải cách về thể chế kinh tế; khả năng chống chịu và vượt qua đại dịch Covid-19. Một số lĩnh vực đang được quan tâm, tìm hiểu cơ hội để triển khai như bất động sản, hạ tầng thương mại, công nghiệp chế biến, chế tạo, linh kiện máy tính - điện thoại và logistics...
Để không bỏ lỡ cơ hội tiếp tục tăng thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao, điều quan trọng nhất là cần phấn đấu tăng tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, có tầm nhìn chiến lược trong việc đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao...