Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Cần sự vào cuộc quyết liệt

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:09, 08/06/2021

(HNM) - Cổ phần hóa là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác này còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu và kế hoạch đề ra, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa cần có nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành liên quan cũng như doanh nghiệp.

Sau khi cổ phần hóa, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty Viglacera - CTCP mang lại nhiều kết quả khả quan với lợi nhuận trước thuế năm 2020 là 860 tỷ đồng, đạt 115% kế hoạch. Trong ảnh: Vận hành dây chuyền sản xuất kính tại nhà máy của Tổng công ty Viglacera.

Tiến độ triển khai chậm chạp

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), kết thúc giai đoạn năm 2016-2020, 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp 489.690 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn chủ sở hữu là 233.792 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số trên chỉ có 39 doanh nghiệp thuộc Danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm (giai đoạn 2017-2020) phê duyệt tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10-7-2017 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15-8-2019 của Thủ tướng Chính phủ (128 doanh nghiệp). Như vậy, nhiệm vụ cổ phần hóa mới đạt khoảng 30% kế hoạch đề ra. Trong 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thành phố Hồ Chí Minh có 38 doanh nghiệp, Hà Nội 13 doanh nghiệp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn 6 đơn vị...

Năm 2021, Chính phủ yêu cầu vẫn thực hiện theo kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn đến hết năm 2020 cho đến khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định khác. Vì vậy, các doanh nghiệp chưa hoàn thành sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ cổ phần hóa trong năm 2021.

Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Ðặng Quyết Tiến nhận định, đây là nhiệm vụ rất nặng nề bởi số doanh nghiệp phải cổ phần hóa vẫn còn nhiều, trong đó nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn, trải dài ở nhiều địa phương, như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông MobiFone... Trong 5 tháng đầu năm 2021, Cục Tài chính doanh nghiệp mới nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa 3 doanh nghiệp với tổng giá trị doanh nghiệp 252 tỷ đồng, trong đó phần vốn chủ sở hữu là 151 tỷ đồng.

Như vậy, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước diễn ra rất chậm chạp. Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, nguyên nhân là do diễn biến khó lường của dịch Covid-19 khiến sản xuất, kinh doanh bị đình trệ nên việc triển khai cổ phần hóa của các doanh nghiệp gặp khó khăn. Giai đoạn này, các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại hầu hết là các doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai, hoạt động ở nhiều địa phương.

Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Vũ Ðình Ánh chỉ ra, nguyên nhân quan trọng là do thủ tục xác định giá trị đất đai mất nhiều thời gian. Phó Trưởng ban Cổ phần hóa Agribank Chu Mạnh Hùng cũng xác nhận, nguyên nhân chậm cổ phần hóa của Agribank là do gặp khó khăn trong việc định giá giá trị doanh nghiệp, nhất là về đất đai.

Còn Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhìn nhận, nguyên nhân chủ quan của tình trạng này vẫn là do một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa tích cực, nghiêm túc trong việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn.

Tổng công ty Viễn thông MobiFone là một trong những doanh nghiệp lớn phải cổ phần hóa trong thời gian tới.

Quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong định giá tài sản nên có quy định pháp lý rõ ràng, đầy đủ hơn với tài sản doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là liên quan đến đất đai. Nguyên tắc chung trong xử lý là đất đai được tính theo giá thị trường. “Ngoài ra, các bộ, ngành cần có kế hoạch cụ thể về thời gian, tiến độ thực hiện cổ phần hóa, gắn kết quả thực hiện cổ phần hóa với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu”, ông Đinh Trọng Thịnh nói.

Trong khi đó, Bộ Tài chính đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp tập trung chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định; thực hiện đầy đủ vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong quá trình lập, thực hiện phương án xử lý nhà, đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời chỉ đạo các tập đoàn kinh tế, tổng công ty trực thuộc rà soát những vấn đề liên quan đến phương án cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, các vướng mắc khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại để có phương án xử lý hiệu quả.

Đặc biệt, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ xem xét, ban hành quyết định phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025; ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, đồng thời phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2021-2025.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5-2021, trả lời báo chí về vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng những tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước để làm cơ sở cổ phần hóa, thoái vốn cho các doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 theo hướng tổng kết giai đoạn trước, những gì làm tốt sẽ tiếp tục phát huy, những tồn tại, hạn chế sẽ khắc phục. Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu tiêu chí sắp xếp doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và thoái vốn với tinh thần để các doanh nghiệp mạnh hơn, hoạt động hiệu quả hơn.

Hương Thủy