Kết hợp nhiều giải pháp
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:05, 09/06/2021
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi Hà Nội, chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn thành phố đã phát sinh 158 vụ vi phạm liên quan đến công trình thủy lợi. Nhưng đến thời điểm này, các địa phương mới xử lý được 10 vụ phát sinh trong năm 2021 và 52 vụ xảy ra từ những năm trước. Con số này cho thấy việc vi phạm các công trình thủy lợi đang là vấn đề nhức nhối.
Có thể nói rằng, ngoài yếu tố khách quan của biến đổi khí hậu, sự suy giảm chất lượng rừng…, thì còn hàng loạt vấn đề không mới nhưng luôn “nóng”, tác động trực tiếp, gây nguy cơ mất an toàn trong điều tiết, tiêu thoát nước. Trong đó phải kể đến sự thiếu ý thức trách nhiệm, buông lỏng quản lý của một số cán bộ cơ sở cũng như việc cố tình vi phạm của người dân. Không chỉ vậy, chính các cơ quan quản lý công trình thủy lợi cũng chưa phát huy được vai trò chủ thể quản lý; việc ứng dụng công nghệ trong giám sát, vận hành các công trình thủy lợi còn nhiều hạn chế; sự phối hợp trong xử lý vi phạm với các đơn vị liên quan thiếu chặt chẽ…, khiến vi phạm bị phát hiện muộn, kéo dài.
Để bảo đảm an toàn hồ đập, hệ thống kênh mương, tăng cường năng lực tiêu thoát nước trong mùa mưa bão, các địa phương cần khẩn trương xử lý các vi phạm pháp luật về thủy lợi. Trước mắt là tập trung giải tỏa những vi phạm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiêu thoát nước của các tuyến kênh, các trục tiêu nước chính; đồng thời ngăn chặn vụ việc vi phạm mới phát sinh trên địa bàn.
Một trong những cơ sở được trông chờ nhằm hóa giải số công trình vi phạm kéo dài từ năm này sang năm khác là cần sớm hoàn thiện văn bản pháp lý để quy rõ trách nhiệm của tổ chức thủy lợi, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp trong quản lý, xử lý vi phạm pháp luật thủy lợi theo hướng sát thực tiễn nhằm triệt tiêu mọi dấu hiệu né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Đặc biệt, trong đó phải nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Đây sẽ là giải pháp quan trọng để chấm dứt tình trạng vi phạm chỉ được báo cáo, xử lý trên giấy đã tồn tại nhiều năm qua. Để làm được việc này, Sở NN&PTNT cần đẩy nhanh tiến độ rà soát các quy định pháp luật, qua đó tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền ban hành quy định.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần rà soát lại thực tiễn, xem xét những vướng mắc trong quản lý, xử lý vi phạm, xác định đầy đủ nguyên nhân khách quan, chủ quan, từ đó tìm hướng giải quyết. Đặc biệt, các cấp chính quyền và đơn vị quản lý thủy lợi phải có sự phối hợp chặt chẽ trong phát hiện cũng như xử lý vi phạm; cần có cơ chế huy động nhân dân địa phương cùng vào cuộc cung cấp thông tin, tố giác vi phạm, bảo đảm mọi vi phạm sẽ bị xử lý kịp thời ngay từ khi phát sinh.
Và vấn đề quan trọng nữa là cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở cũng như người dân, để việc bảo vệ các công trình thủy lợi trở thành việc làm thường xuyên, lâu dài của cả cộng đồng. Chỉ khi các cơ quan chức năng và người dân cùng vào cuộc chủ động và có trách nhiệm, thực hiện đồng bộ các giải pháp thì mới có thể giải quyết triệt để tình trạng xâm hại các công trình thủy lợi.