Số ca mắc mới Covid-19 tại một số quốc gia giảm: Vẫn cần củng cố hệ thống y tế
Thế giới - Ngày đăng : 07:06, 09/06/2021
Na Uy là nước đầu tiên công bố hết dịch vào ngày 7-6. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát nhiễm trùng (Viện Y tế công cộng Na Uy) Preben Aavitsland cho biết, số ca nhập viện do Covid-19 ở quốc gia Bắc Âu này đã ở mức thấp nhất kể từ mùa hè năm ngoái. Nhờ tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng, ông Preben Aavitsland tin tưởng, người dân Na Uy sẽ không phải bận tâm nhiều đến dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Sự lạc quan đã lan tỏa trên khắp Lục địa già. Hàng loạt các nước, như: Đan Mạch, Đức, Hy Lạp... đã cấp chứng chỉ đi lại Covid-19, cho phép người dân di chuyển xuyên biên giới trong Liên minh châu Âu (EU). Tây Ban Nha - điểm đến du lịch hàng đầu trên thế giới, đã mở cửa các bãi biển đón những du khách đã được tiêm phòng vắc xin Covid-19; các khách sạn và nhà hàng tại đây cũng hoạt động trở lại.
Không chỉ châu Âu, nhiều khu vực khác của thế giới cũng chứng kiến xu hướng dịch bệnh diễn biến tích cực. Những tâm dịch lớn đều ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 giảm. Tại Mỹ, trong bối cảnh số ca mắc mới từ hàng trăm nghìn ca/ngày, nay đã giảm còn 15.000-16.000 ca/ngày, hàng loạt bang đã có kế hoạch mở cửa ngay trong mùa hè này. Thành phố New York thậm chí sẽ tổ chức một đại nhạc hội tại Central Park mừng "tái sinh" sau đại dịch Covid-19. Bang New York dự kiến xóa bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng dịch từ đầu tháng 7 tới, khi tỷ lệ tiêm chủng đạt 70%.
Tại châu Á, Bộ Y tế Ấn Độ ghi nhận 100.636 ca mắc mới Covid-19 trong ngày 7-6, mức thấp nhất trong 62 ngày qua. Đây cũng là ngày thứ 25 liên tiếp quốc gia đông dân thứ hai thế giới có số ca phục hồi và khỏi bệnh nhiều hơn số ca nhiễm mới. Nhờ vậy, từ ngày 7-6, thủ đô New Delhi và nhiều thành phố khác bắt đầu nới lỏng các hạn chế. Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ cấp “hộ chiếu vắc xin” ngay đầu mùa hè này nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại, còn Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc (MOHW) Kwon Deok-cheol lạc quan nước này có thể trở lại cuộc sống bình thường từ tháng 7.
Tín hiệu tích cực tại nhiều nơi thể hiện thành công chung trong nỗ lực phòng, chống dịch của nhân loại. Trong 14 ngày qua, số ca nhiễm mới trên toàn cầu giảm 25%, số liều vắc xin được tiêm cũng vượt ngưỡng 1,9 tỷ. Tuy nhiên, một số quốc gia châu Á đang đối mặt với dịch bệnh vẫn phải dồn lực tăng tốc kế hoạch tiêm vắc xin. Trong đó, Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm phòng cho ít nhất 70% dân số trước khi năm 2021 kết thúc.
Trong bối cảnh đó, công tác củng cố hệ thống y tế, đặc biệt là tự sản xuất vắc xin, xây dựng các kho dự trữ vắc xin phòng dịch, vẫn được các nước chú trọng. Đức hiện đã lên kế hoạch chi trả kinh phí thường niên cho các nhà sản xuất vắc xin Covid-19 để duy trì lượng vắc xin dự phòng mỗi năm khoảng 700 triệu liều, bảo đảm sẵn sàng ứng phó các đợt lây nhiễm mới. Hiện, Argentina đã sản xuất vắc xin Sputnik V trong khi hãng dược Siam Bioscience (Thái Lan) cũng bắt tay sản xuất vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca.
Có thể thấy, các nước nhận thức rõ sự lạc quan không đồng nghĩa với chủ quan khi tiếp tục củng cố hệ thống y tế nhằm chủ động ứng phó với đại dịch, dù đạt được những thành công nhất định thời gian qua. Đây là thái độ đúng đắn góp phần tiến tới chiến thắng cuối cùng trước dịch Covid-19 - kẻ thù chung của nhân loại.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.